Multimedia Đọc Báo in

"Du mục" mùa cà phê

09:55, 26/12/2018

Những ngày này, trên khắp các triền đồi trồng cà phê, không khó để nhận ra những người lao động từ các nơi khác đến làm thuê. Họ tất bật thu hái cà phê từ rẫy này qua rẫy khác và cả ở những địa phương khác nhau như là dân “du mục”.

Giữa tháng 12, trong tiết trời se lạnh, trên rẫy cà phê ở buôn Drah 1, xã Cư Né, huyện Krông Búk râm ran tiếng nói cười  của những nhân công hái cà phê thuê. Vừa thoăn thoắt tuốt những hạt cà phê chín mọng trên cành, chị Định Thị Hà (28 tuổi, ở xã Sơn Thượng, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) tâm sự: “Năm nào cũng vậy, từ khoảng giữa tháng 10 là vợ chồng tôi bắt đầu đi hái cà phê thuê ở Gia Lai, đến đầu tháng 12 thì sang Đắk Lắk làm. Ở quê, gia đình chúng tôi chỉ có 2 sào lúa, làm không đủ ăn".

Anh Đinh Vối quê ở Quảng Ngãi đã có nhiều năm đi hái cà phê thuê.
Anh Đinh Vối quê ở Quảng Ngãi đã có nhiều năm đi hái cà phê thuê.

Theo lời chị Hà, nhóm làm thuê của chị tổng cộng 28 người, đều cùng làng, cùng xã với nhau. Công việc hái cà phê không khó, lại có mức thu nhập khá nên cứ vào mùa thu hoạch là cả làng dắt díu nhau đi làm. Chỉ cần một người quen với các chủ vườn cà phê từ mùa trước là có thể rủ theo nhiều người khác cùng làm. Công việc của họ là hái khoán, chủ vườn trả công 1.000 đồng/kg cà phê tươi. “Riêng vợ chồng tôi, nếu làm chăm chỉ thì một mùa cà phê cũng kiếm được khoảng 35 triệu đồng”, chị Hà nhẩm tính.

 

“Mùa thu hoạch cà phê luôn cần lượng nhân công lớn mà lao động tại chỗ không thể đáp ứng được nên các chủ vườn tìm người quen ở quê nhà, rồi người này rủ người kia làm cùng. Dần dà, cứ đến mùa cà phê, các lao động từ khắp nơi tập trung lên Đắk Lắk, chủ yếu là Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định...”. 

 
 
Ông Lê Văn Phi, một chủ vườn cà phê ở buôn Drah 1, xã Cư Né, huyện Krông Búk

Anh Đinh Vối (43 tuổi), đồng hương với chị Hà đang hái cà phê phía đối diện, không ngại ngần kể về phận làm thuê tứ xứ của mình: Anh làm nghề này 4 năm rồi nhưng đây là năm đầu tiên làm ở Đắk Lắk. Ở quê việc ít, hoa màu cho năng suất thấp, trong khi 3 đứa con đều đang tuổi ăn học nên phải đi làm thuê kiếm thêm thu nhập. Mỗi vụ thu hoạch cà phê, anh phải đi xa nhà gần 3 tháng. Việc ăn ở, sinh hoạt tại căn lều tạm của chủ vườn. Anh Vối tâm sự: “Nhiều khi trời mưa liên tục, chúng tôi không làm được gì, còn dễ bị đau ốm. Năm ngoái, tôi mới đi hái được hơn 1 tháng bị sốt cao quá phải về quê nghỉ cả nửa tháng trời”.

12 giờ trưa, khuôn mặt ai cũng đều nhễ nhại mồ hôi, nhưng những đôi bao tay sờn rách vẫn thoăn thoắt trên cành cà phê chín đỏ. Sợ chiều đổ mưa sớm nên ai cũng cặm cụi làm cho kịp sản lượng trong ngày. Đôi bàn tay họ hái liên tục từ cây này qua cây khác. Dưới gốc cà phê đã hái, 2-3 người kéo lê bạt đựng cà phê, rồi lại gồng mình hốt đổ vào bao vác đến điểm tập kết cách xa cả trăm mét. Cứ thế, họ cặm cụi làm từ sáng sớm đến chiều tối...

Những người hái cà phê thuê loại bỏ lá cây trước khi cho cà phê vào bao.
Những người hái cà phê thuê loại bỏ lá cây trước khi cho cà phê vào bao.

Trong nhóm người hái cà phê thuê nơi đây còn có những đứa trẻ chừng 14 - 15 tuổi, đã nghỉ học để đi theo người lớn mưu sinh nơi đất khách. Vừa hốt cà phê vào bao, em Đinh Văn Phong (14 tuổi, xã Sơn Thượng, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi ) vừa chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em hái cà phê thuê. Dù công việc xa nhà, lại vất vả nhưng nếu chăm chỉ em sẽ có thêm tiền phụ giúp bố mẹ nuôi 2 em, vừa có tiền sắm Tết...".

Với những người “du mục” mùa cà phê, hành trình làm thuê của họ không thiếu những nỗi niềm. Nhưng hơn hết, trong họ còn có những niềm hạnh phúc và ước mơ thật bình dị.

Thùy Duyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.