Multimedia Đọc Báo in

Hướng thoát nghèo bền vững ở Cư Ni

08:54, 13/12/2018

Những năm qua, người dân trên địa bàn xã Cư Ni (huyện Ea Kar) luôn chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và khai thác có hiệu quả các nguồn vốn vay để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Xã Cư Ni có 4.180 hộ dân với 18.000 khẩu, sinh sống tại 23 thôn, buôn trong đó có 75% dân số làm nông nghiệp, chủ yếu là trồng cà phê và tiêu. Có những năm nông sản rớt giá, nhiều diện tích cây trồng bị chết do dịch bệnh, thời tiết đã ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của người dân. Từ thực tế đó, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế, xã hội một cách phù hợp như đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phối hợp với các đơn vị tổ chức các buổi hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi… Qua đó, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương như mô hình trồng rau, nuôi gà dưới tán cây, nuôi thủy sản (cá), trồng cây ăn quả (vải, nhãn)…

Chị Triệu Thị So (thôn Quảng Cư 2) chăm sóc đàn gà con.
Chị Triệu Thị So (thôn Quảng Cư 2) chăm sóc đàn gà con.

Tận dụng lợi thế đất đai rộng rãi, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã lựa chọn mô hình nuôi gà dưới tán cây để phát triển kinh tế gia đình. Đơn cử như gia đình chị Triệu Thị So (thôn Quảng Cư 2) đã nuôi gà được 2 năm nay, mang lại nguồn thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Trước đây, gia đình chị So là một trong những hộ nghèo của địa phương. Cùng lúc, chị So phải lo cho đứa con nhỏ, bố mẹ già, 2 đứa cháu và người anh trai bệnh tật, thế nhưng kinh tế gia đình chỉ phụ thuộc vào 1 ha đất trồng điều cằn cỗi. Năm 2016, sau khi được tham gia lớp tập huấn về chăm sóc và nuôi gà do Hội Nông dân xã tổ chức, được tiếp cận nguồn vốn vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và quỹ của Chi hội Phụ nữ thôn, chị So đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, đầu tư làm chuồng, hàng rào xung quanh vườn và mua 200 con gà giống lai chọi về nuôi dưới tán cây.

Sau 4 tháng nuôi, đàn gà đã đủ trọng lượng để xuất chuồng, với giá bán 55.000 đồng/kg giúp chị thu hồi vốn và bắt đầu có lời. Thấy việc nuôi gà không cần nhiều vốn, thời gian quay vòng ngắn mà hiệu quả kinh tế cao, chị So đã mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi lên 2.000 con. Nhờ nuôi theo hình thức gối đầu, mỗi năm chị So xuất 4 lứa gà ra thị trường, thu lãi từ 30-40 triệu đồng/lứa. Với nguồn thu nhập ổn định từ việc nuôi gà, chị So đã xây được ngôi nhà khang trang, có đủ tiền để trang trải cuộc sống. Đầu năm 2017, gia đình chị So đã vươn lên thoát nghèo.

Nhờ triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ cho người nghèo, đến nay xã Cư Ni còn 286 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 6,67%), giảm 244 hộ so với năm 2017.

Gia đình ông Mai Đức Chính (thôn 2) là một trong những hộ đầu tiên của thôn thành công trong việc chuyển đổi diện tích đất cằn sang trồng cây ăn quả. Trước đây, trên diện tích 2 sào của gia đình, ông Chính trồng cà phê nhưng do đất xấu nên hiệu quả không cao, mỗi vụ chỉ thu được 2-3 tạ cà phê, không đủ bù chi phí đầu tư. Năm 2013, thấy một số người dân ở xã Ea Tih trồng được cây nhãn trên đất bạc màu, ông Chính đã mua 25 cây nhãn Hương Chi về trồng thử trong vườn nhà. Sau 3 năm, vườn nhãn đã cho thu bói. Thấy cây nhãn sinh trưởng và phát triển tốt, lại có thể điều chỉnh ra trái vụ, năm 2015, ông Chính đã tự chiết 100 chồi nhãn để trồng thay thế trên toàn bộ diện tích cà phê của gia đình. Hiện với 40 gốc nhãn kinh doanh, đạt sản lượng 5 tấn, với giá bán 25.000 đồng/kg sau khi trừ chi phí ông Chính thu lãi hơn 80 triệu đồng/năm, cao hơn hẳn so với trồng cà phê trước đây.

Chị Triệu Thị So (thôn Quảng Cư 2) chăm sóc đàn gà con.
Chị Triệu Thị So (thôn Quảng Cư 2) chăm sóc đàn gà con.

Ông Nguyễn Văn Vỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Ni cho biết: “Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả và bền vững, trong thời thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tích cực lao động, sản xuất, học tập các mô hình, cách làm hay để phát triển kinh tế gia đình; đẩy mạnh việc dạy nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động... Phấn đấu trong năm 2019, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống dưới 6%”.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.