Multimedia Đọc Báo in

Giảm nghèo bền vững: Những "nút thắt" cần tháo gỡ (Kỳ 1)

08:41, 14/01/2019

Trong những năm qua, từ nhiều nguồn vốn hỗ trợ, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều “nút thắt” khiến nhiều hộ dân thoát nghèo chưa bền vững; tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao so với mặt bằng chung của cả nước.

Kỳ 1: Nhiều chương trình, dự án chưa mang lại hiệu quả

Trung bình mỗi năm, ngân sách nhà nước đã chi hàng chục nghìn tỷ đồng để thực hiện các chính sách giảm nghèo tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, thế nhưng nhiều chương trình đầu tư, hỗ trợ giảm nghèo vẫn chưa mang lại hiệu quả thiết thực.

Phương thức hỗ trợ chưa phù hợp

Những năm qua, các hộ nghèo, xã và huyện nghèo trên địa bàn tỉnh đã và đang nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các chương trình, chính sách của Ðảng và Nhà nước, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Trong đó, phải kể đến một số chính sách hỗ trợ lớn như: Quyết định 102/2009/QĐ-TTg về việc cấp giống cây trồng, vật nuôi, muối I-ốt và tiền mặt cho hộ nghèo; Chương trình 135 về nâng cao nhanh đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc ở các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa; Quyết định số 755/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; Nghị quyết 30a về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với huyện nghèo…

Thi công đường nội buôn Kala, xã Đray Sáp (huyện Krông Ana) nhờ nguồn vốn chương trình hỗ trợ giảm nghèo.
Thi công đường nội buôn Kala, xã Đray Sáp (huyện Krông Ana) nhờ nguồn vốn chương trình hỗ trợ giảm nghèo.

Dù nguồn vốn đầu tư nhiều nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc nên hiệu quả mang lại không lớn. Đơn cử như ở huyện M'Đrắk, khi thực hiện Quyết định 102, giai đoạn 2016-2018, địa phương đã cấp trên 190.000 tấn lúa, ngô giống, 3.017 cây sầu riêng, 5.546 cây bơ booth, 3.000 con gà lai chọi và trên 252.000 tấn muối I-ốt với tổng kinh phí hỗ trợ trên 8,1 tỷ đồng cho gần 20.000 hộ nghèo. Tuy nhiên, theo Quyết định, người dân thuộc hộ nghèo ở các xã khu vực II, xã biên giới, xã bãi ngang, hải đảo vùng khó khăn chỉ được hỗ trợ 80.000 đồng/người/năm; người dân thuộc hộ nghèo ở xã khu vực III vùng khó khăn là 100.000 đồng/người/năm. Do đó, dù số tiền hỗ trợ là rất lớn nhưng lại dàn trải, không tập trung nên khi nguồn vốn đến tay người dân thì quả thực chẳng đáng là bao; đó là chưa nói đến chất lượng cây, con giống được cấp không đảm bảo dẫn đến tình trạng không phát triển tốt hoặc bị chết.

Hay như với Quyết định 755 về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và chuyển đổi nghề ở nhiều địa phương vẫn mãi chưa thực hiện được. Nguyên nhân là do một số xã không còn quỹ đất để hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS nghèo thiếu đất ở, đất sản xuất; với địa phương còn quỹ đất, khi tiến hành thực hiện thì phát hiện ra đất đã bị các hộ dân xâm canh, xâm chiếm trái phép từ lâu; mặc khác định mức hỗ trợ của Nhà nước còn quá thấp (15 triệu đồng/hộ) tính cả phần vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (15 triệu đồng/hộ) thì tổng vốn mới được 30 triệu đồng/hộ, trong khi đó hiện nay, ruộng lúa nước hay nương rẫy có giá từ 40 - 70 triệu đồng/sào, nên giải pháp mua, bán, sang nhượng giữa các hộ dân như Đề án đưa ra càng khó thực hiện...

Thiếu hỗ trợ kỹ thuật và sự ràng buộc

Bên cạnh các mô hình, chương trình hỗ trợ không phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và hộ nghèo thì một nguyên do nữa khiến công tác giảm nghèo chưa phát huy hiệu quả là nhiều chương trình hỗ trợ chỉ hướng đến cấp phát, cho không mà chưa chú trọng đến việc hỗ trợ kỹ thuật, cách chăm sóc. Trong khi đó, phần lớn hộ nghèo, nhất là hộ đồng bào DTTS chủ yếu vẫn sản xuất theo tập quán, tự phát, quảng canh, không áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào canh tác. Chính việc chưa được trang bị đầy đủ kiến thức để chăm sóc, quản lý nguồn vốn đã dẫn đến tình trạng hầu hết cây, con giống sau khi cấp cho hộ dân chỉ một thời gian ngắn thì bị chết vì không được chăm sóc đúng cách.

Trong năm 2018, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh trên 146 tỷ đồng; trong đó, vốn đầu tư phát triển gần 93,4 tỷ đồng, vốn sự nghiệp gần 46,5 tỷ đồng.

Song song đó, một số chương trình hỗ trợ bò, dê giống cho hộ nghèo không xây dựng cơ chế ràng buộc hoặc có cũng không thực hiện quyết liệt nên mới xảy ra tình trạng có hộ nhận về được mấy hôm liền đem bán đi để lấy tiền tiêu xài hoặc làm thịt. Đây là thực trạng đang diễn ra khá phổ biến ở xã Yang Mao (huyện Krông Bông), như ông Nguyễn Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND xã thẳng thắn thừa nhận: “Chính sự thiếu hiểu biết, nhận thức còn hạn chế cùng với đó là sự ỷ lại, trông chờ của nhiều hộ nghèo nên các chương trình hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế trên địa bàn xã dường như không mấy hiệu quả. Cụ thể, nếu cấp con giống thì họ đem bán lấy tiền tiêu, còn cây giống thì không chịu khó chăm sóc nên chẳng phát triển được dẫn đến việc địa phương khó giảm tỷ lệ hộ nghèo”.

Cán bộ kiểm tra, phúc tra hộ nghèo tại xã Ea Trang, huyện M'Đrắk.
Cán bộ kiểm tra, phúc tra hộ nghèo tại xã Ea Trang, huyện M'Đrắk.

 Một thực tế trong quá trình triển khai các dự án giảm nghèo nữa là rất ít dự án có cán bộ chuyên trách mà phần lớn là cán bộ kiêm nhiệm, hay bị luân chuyển, không ổn định. Chính vì thế, họ chủ yếu làm công việc hành chính thay vì được trang bị đủ kiến thức để trực tiếp hỗ trợ người dân trong xã. Mặc khác, cán bộ tập huấn thường là người từ huyện, tỉnh thậm chí từ ngoại tỉnh - những người chỉ có tối đa 1 ngày tập huấn đại diện cho các hộ nghèo, không có thời gian để tìm hiểu điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường của địa phương, dẫn đến nội dung tập huấn chỉ mang tính lý thuyết chung chung, thiếu thực hành, thiếu tính khả thi…

(Còn nữa)

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.