Multimedia Đọc Báo in

Người sản xuất cà phê háo hức với cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2019

08:37, 14/01/2019

Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 là sự kiện được những người sản xuất cà phê háo hức chờ đợi.

Một sản phẩm cà phê được xem là đặc sản khi đạt từ 80 điểm trở lên trong thang điểm thử nếm cà phê đặc sản của Hiệp hội Cà phê đặc sản thế giới (SCA-Specialty Coffee Association). Để đạt được số điểm đó, khi thử nếm, cà phê phải bảo đảm các yếu tố cân bằng về mùi, vị, hương… Các tính chất tốt (ngọt, thơm) càng cao thì điểm càng cao và càng ngon. Bản thân mỗi loại cà phê có một mùi, vị riêng và với mỗi phương pháp chế biến khác nhau lại tạo nên những “cung bậc” hương vị khác biệt. Chi phí để sản xuất cà phê đặc sản cũng tốn kém, cầu kỳ hơn so với cách thức sản xuất cà phê lâu nay nên không phải ai cũng có thể sản xuất được. Tuy nhiên, làm ra cà phê đặc sản lại đem đến sự hứng khởi cho nhiều nhà sản xuất vì sự đam mê và mục tiêu nâng cao chất lượng, giá trị cho sản phẩm cà phê. Họ coi Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam sắp tới là cơ hội để khẳng định chất lượng sản phẩm của mình, cũng như xây dựng, kết nối, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của nhau và đang chuẩn bị sản phẩm dự thi một cách chu đáo.

Sản xuất cà phê đặc sản tại HTX Nông nghiệp dịch vụ Công bằng Ea Tu, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột.
Sản xuất cà phê đặc sản tại HTX Nông nghiệp dịch vụ Công bằng Ea Tu, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột.

Ông Nguyễn Văn Trình (thôn Quang Trung, xã Ea Tân, huyện Krông Năng) tham gia sản xuất cà phê chất lượng cao hơn 3 năm nay và đã có những thành công bước đầu khi tạo dựng được lượng khách hàng nhất định. Theo ông Trình, yếu tố đầu tiên khi lựa chọn sản xuất cà phê chất lượng cao là vườn cây phải sản xuất theo hướng sạch trong nhiều năm để có thể loại bỏ các tác nhân, tạp chất tích trữ trong đất, vườn cây và môi trường xung quanh làm ảnh hưởng đến mùi vị đặc trưng của hạt cà phê… Tiếp đến là tập trung khâu chế biến để có thể giữ được những phẩm chất tốt về mùi, vị đã được tích trữ trong hạt cà phê, đồng thời tạo sự khác biệt về mùi vị trong quá trình chế biến, lên men.

Ông đã đầu tư hệ thống máy chế biến ướt liên hoàn (sàng bỏ quả lỗi, xát dập, đánh nhớt...), nhà phơi hơn 1.000 m2 để chế biến ướt phơi ngay, chế biến ướt và ủ lên men, phơi nguyên quả... Hiện tại, bên cạnh đầu tư phát triển 7 ha cà phê của gia đình theo hướng hữu cơ, ông còn liên kết với người dân địa phương để tạo vùng nguyên liệu chế biến và cung cấp ra thị trường khoảng 70 tấn cà phê chất lượng cao mỗi năm cho các nhà rang xay trong nước. Vừa qua, khi nắm bắt được thông tin về kế hoạch tổ chức cuộc thi dành cho những người làm cà phê đặc sản, ông đã tập trung chế biến sản phẩm và hoàn thiện hồ sơ để đưa 1 mẫu cà phê washed đang sản xuất tham dự cuộc thi.

Ông Nguyễn Văn Trình, xã Ea Tân, huyện Krông Năng đang kiểm tra chất lượng cà phê nhân để sản xuất cà phê chất lượng cao.
Ông Nguyễn Văn Trình, xã Ea Tân, huyện Krông Năng đang kiểm tra chất lượng cà phê nhân để sản xuất cà phê chất lượng cao.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Công bằng Ea Tu (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) sản xuất cà phê chất lượng cao từ nhiều năm nay với mục tiêu tạo thu nhập ổn định cho người trồng cà phê thông qua việc kết nối với 45 hộ nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị từ vùng nguyên liệu hơn 60 ha, đến cà phê rang xay chất lượng cao và xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Ông Trần Đình Trọng, Giám đốc HTX chia sẻ, lâu nay người tiêu dùng quốc tế chỉ biết đến vị trí thứ nhì về sản lượng cà phê và thứ nhất về sản lượng cà phê Robusta của Việt Nam nhưng chưa đánh giá cao về chất lượng và giá trị sản phẩm. Thực tế thời gian qua đã chứng minh cho thế giới thấy rằng cà phê Robusta hoàn toàn có thể sản xuất cà phê đặc sản với sản phẩm đạt chất lượng hảo hạng. Do đó, đầu niên vụ 2018-2019, song hành với việc sản xuất cà phê mật ong, ông còn đầu tư máy móc để sản xuất cà phê đặc sản từ nguồn nguyên liệu sẵn có từ các thành viên của HTX. Cụ thể là hướng dẫn người dân thu hoạch theo hình thức hái lựa cuốn chiếu, chín tới đâu hái tới đó và trực tiếp thu mua với giá cao hơn thị trường khoảng 300 đồng/kg để sản xuất cà phê đặc sản. Hiện tại, lô cà phê dự thi đã được chế biến xong và đang tích trữ trong kho, chờ ngày dự thi.

Chị H’Yon Niê, thành viên HTX Nông nghiệp dịch vụ Công bằng Ea Tu có 1,4 ha cà phê luôn được chú tâm chăm sóc theo hướng hữu cơ. Chị H’Yon cho biết, niên vụ 2018-2019 chị đã bán cho HTX 5 tạ cà phê quả tươi có tỷ lệ chín trên 95% với giá bình quân 1 triệu đồng/tạ (cao hơn thị trường 200.000-300.000 đồng/tạ) để sản xuất cà phê chất lượng cao tham dự Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2019. Đó là sự góp sức đồng lòng để sản xuất cà phê chất lượng cao, mang đến thương hiệu, tên tuổi cho HTX.

Theo đánh giá của các nhà rang xay, xuất khẩu, cà phê đặc sản là phân khúc thị trường cao cấp nhưng nhu cầu tiêu thụ trên thế giới vẫn còn rất lớn do đòi hỏi ngày càng khắt khe của người tiêu dùng. Việc nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư sản xuất cà phê đặc sản theo quy mô lớn và đáp ứng những tiêu chí khắt khe từ việc trồng, chăm sóc, thu hái chế biến sẽ làm gia tăng sản lượng và khiến thị trường dòng sản phẩm này sôi động hơn trong thời gian tới.

Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam đang bước vào giai đoạn 2: tiếp nhận đơn dự thi chính thức và bản thuyết minh mẫu dự thi. Tất cả tổ chức, cá nhân có trang trại cà phê hoặc trực tiếp liên kết, hợp tác với nông dân sản xuất, chế biến cà phê đặc sản trên lãnh thổ Việt Nam đều có thể dự thi và nộp hồ sơ tại 15A Trường Chinh, TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) hoặc qua địa chỉ mail hhcaphebmt@yahoo.com.vn

Thanh Hường – Minh Thông

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.