Multimedia Đọc Báo in

Phát triển nông lâm kết hợp: Còn những khoảng trống về chính sách (Kỳ 2)

09:23, 18/01/2019

[links(left)]

Kỳ 2: Cần chính sách phù hợp cho phát triển nông lâm kết hợp

Sự tách bạch giữa lâm nghiệp và nông nghiệp thành 2 mảng đã làm cho nông lâm kết hợp rơi vào khoảng trống về chính sách cho lĩnh vực này. Đây cũng chính là những rào cản khiến mô hình nông lâm kết hợp không phát huy được tiềm năng vốn có.

Những rào cản

Theo Ths. Nguyễn Tiến Định, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, một thực tế là trong tất cả các chủ trương, chính sách chiến lược về phát triển nông nghiệp đều có định hướng phát triển theo hướng chuyên canh, tạo ra những vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn với chế biến. Trong khi đó, chính sách về lâm nghiệp lại có xu hướng bảo vệ rừng và hạn chế tiếp cận các nguồn lực từ rừng. Vì vậy đã tạo ra những khoảng trống về chính sách đối với nông lâm kết hợp. Đơn cử như chính sách hỗ trợ cho trang trại, trong Thông tư số 27/TT-BNNPTNT, ngày 13-4-2011 của Bộ NN-PTNT quy định về tiêu chí và thủ tục cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại thì chỉ có quy định về tiêu chí cho trang trại lâm nghiệp và trang trại nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi), đối với những trang trại cả nông lâm kết hợp thì chưa có một tiêu chí riêng cụ thể cho nó.

Mặc khác, hiện nay việc trồng xen cây công nghiệp, cây dược liệu và sản xuất ngư nghiệp trên đất rừng sản xuất tuy đã được Nhà nước cho phép theo Quyết định số 49/2016/QĐ-TTg, ngày 1-11-2016 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Quy chế quản lý rừng sản xuất, chủ rừng được sử dụng không quá 30% diện tích đất chưa có rừng của rừng trồng sản xuất để sản xuất nông lâm kết hợp và trong Chiến lược phát triển lâm nghiệp đến năm 2020, Bộ NN-PTNT cũng đã dành ra 0,62 triệu ha để phục hồi rừng và sản xuất nông lâm kết hợp. Thế nhưng, các mô hình nông lâm kết hợp ở đây đều được hiểu là sự kết hợp giữa nông nghiệp và lâm nghiệp, chứ không phải một hệ thống sản xuất tổng hợp, đa dạng sinh học như cách hiểu của thế giới hiện nay. Do đó, các mô hình được hưởng chính sách hỗ trợ đều gắn với cây, đất rừng; còn những mô hình tổng hợp khác không có cây lâm nghiệp thì không được hưởng chính sách dù thực chất đó cũng là sản xuất nông lâm kết hợp.

Vườn tiêu trồng xen trong mô hình nông lâm kết hợp của hộ ông Trần Văn Bình (thôn Yên Thành 2,  xã Đắk Nuê, huyện Lắk).
Vườn tiêu trồng xen trong mô hình nông lâm kết hợp của hộ ông Trần Văn Bình (thôn Yên Thành 2, xã Đắk Nuê, huyện Lắk).

Đó là chưa kể, hiện nhiều loại cây trồng trong hệ thống nông lâm kết hợp không được coi là cây trồng chính (như các nhóm cây lâm nghiệp) và vì thế không được quan tâm đúng mức để cải tiến giống cũng như để kiểm soát chất lượng giống và hạt giống. Trong khi đó, dịch vụ khuyến lâm còn kém hiệu quả, mới tập trung vào cung cấp kỹ thuật mà chưa có các tư vấn về cơ cấu cây trồng; quy hoạch sử dụng đất quy mô hộ gia đình, trang trại. Tín dụng và đầu tư cho phát triển nông lâm kết hợp cũng đang thiếu hụt các quy định hỗ trợ những đối tượng tham gia loại hình sản xuất này tiếp cận các khoản vay từ ngân hàng để hưởng lợi từ các quy định hỗ trợ của Nhà nước; chưa có định hướng phát triển thị trường sản xuất nông lâm kết hợp.

Cần bổ sung chính sách phù hợp

Ông Trần Văn Bình (thôn Yên Thành 2, xã Đắk Nuê, huyện Lắk) cho hay, từ 3 ha cà phê già cỗi, năm 2016 ông mạnh dạn chuyển đổi, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng bằng mô hình nông lâm kết hợp, với các loại cây: tiêu (trồng bằng trụ sống), cam, thanh long, vải, nhãn, bơ, sầu riêng, sao, xà cừ, keo lai… Trong quá trình thực hiện ông đều tự tìm hiểu, tự bỏ vốn đầu tư để phát triển vườn cây. Chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện cho ông tham gia các lớp tập huấn sản xuất, nhưng chủ yếu về nông nghiệp, còn sự hỗ trợ kỹ thuật, chính sách theo đúng mô hình nông lâm kết hợp thì vẫn chưa có. Ông Bình mong muốn, địa phương cũng như các bộ, ngành cần có những nghiên cứu để đề xuất những chính sách cụ thể cho khu vực nông lâm kết hợp vì thực tiễn mô hình này đã chứng minh được hiệu quả nhất định.

Thực tế trên cho thấy, để giúp nâng cao hiệu quả việc áp dụng mô hình nông lâm kết hợp và phát triển trên diện rộng, chính sách đóng vai trò đặc biệt quan trọng, giúp loại trừ các rào cản pháp lý trong phát triển và khuyến khích người dân tham gia mô hình này. Ths. Nguyễn Tiến Định cho rằng, cần phải xây dựng chính sách mới về nông lâm kết hợp; đặc biệt, phải có chính sách riêng về tín dụng, khoa học công nghệ (giống), thương mại sản phẩm, bảo hiểm rủi ro (thời tiết, dịch bệnh…) cho nông lâm kết hợp và việc áp dụng chính sách phải được lồng ghép trong các chương trình, dự án. Đồng thời, tăng cường công tác khuyến lâm về xây dựng mô hình, hỗ trợ đào tạo kỹ thuật; tiến hành cải thiện toàn bộ chuỗi giá trị nông lâm kết hợp từ việc cung cấp giống cây cho người dân đến công tác chế biến sau thu hoạch; xây dựng cơ sở dữ liệu nông lâm kết hợp cả nước, phù hợp với từng vùng…

Người dân đến tham quan, tìm hiểu mô hình nông lâm kết hợp của hộ ông Nguyễn Văn Kỳ (xã Đắk Nuê, huyện Lắk).
Người dân đến tham quan, tìm hiểu mô hình nông lâm kết hợp của hộ ông Nguyễn Văn Kỳ (xã Đắk Nuê, huyện Lắk).

Rõ ràng, để phát triển nông lâm kết hợp bao gồm nhiều yếu tố, trong đó người chủ hộ mang tính chất quyết định đến các vấn đề đất đai, cơ cấu cây trồng và sản phẩm được tiêu thụ trên thị trường như thế nào… Nhưng các vấn đề về cơ chế chính sách như quyền sử dụng đất, tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư cho các loài cây trồng dài ngày, giá cả, thị trường tiêu thụ… thì người dân không quyết định được. Do đó, các nhà quản lý và hoạch định chính sách cần rà soát, hoàn thiện chính sách về nông lâm kết hợp theo đúng cách hiểu của thế giới hiện nay. Trên cơ sở đó khuyến cáo áp dụng những mô hình phù hợp cho Đắk Lắk nhằm cải thiện sinh kế của cộng đồng sống gần rừng và phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng đa dạng sinh học trên vườn cây. Đồng thời, đề xuất, xem xét những vấn đề cấp thiết trong ngắn hạn và dài hạn cho phát triển hiệu quả mô hình nông lâm kết hợp thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.

Theo Chi cục Kiểm lâm vùng IV, để phát triển mô hình nông lâm kết hợp trên diện tích rừng trồng như yêu cầu của Bộ NN-PTNT (phải có cây lâm nghiệp; những cây tham gia vào tỷ lệ che phủ rừng như cao su, điều, vải thiều) đang là một "bài toán khó" cho các địa phương, nhất là khu vực Tây Nguyên. Bởi hiện nay, người dân không muốn phát triển các loại cây theo quy định của Bộ NN-PTNT mà muốn phát triển các loại cây đặc sản vùng Tây Nguyên (bơ, sầu riêng, mít). Do đó, cần có sự tham mưu của các nhà hoạch định chính sách để điều chỉnh, bổ sung lại các văn bản quản lý nhà nước cho phù hợp với yêu cầu thực tế.

Minh Thuận - Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.