Multimedia Đọc Báo in

Sắn mất mùa, được giá

09:01, 16/01/2019

Nông dân các huyện Buôn Đôn, Ea Súp đang tất bật vào vụ thu hoạch sắn. Năm nay, sắn được giá giúp nhà nông có thêm khoản thu nhập đáng kể.

Gia đình anh Y Bốt Hmok (buôn Yang Lành, xã Ea Krông Na, huyện Buôn Đôn) có 7 sào sắn đang thu hoạch. Anh Y Bốt phấn khởi cho biết, giá sắn tươi vụ này trên 2 nghìn đồng/kg, cao hơn nhiều so với các năm trước. Đất nhà anh thuộc loại đất xấu, mọi năm trước chỉ trồng 1 vụ đậu xanh rồi bỏ không vì thiếu nước tưới. Ba năm trở lại đây, anh Y Bốt chọn sắn để trồng vụ hai. Tuy nhiên vụ này, sắn nhà anh Y Bốt cho ít củ, củ nhỏ nên chỉ thu được khoảng 3 tấn củ tươi/sào. Theo anh Y Bốt, năm nay thời tiết không được thuận lợi lắm. Đầu vụ trời nắng hạn khiến cây sắn còi cọc, đến lúc cây tích củ (khoảng tháng 7) thì mưa dầm dẫn đến việc cây cho củ nhỏ và ít. Nhưng năm nay sắn được giá, bù qua bù lại, trừ chi phí phân, giống, vụ này nhà anh thu được vài chục triệu đồng.

Gia đình ông Y Quyn Niê ở xã Ea Wer (Buôn Đôn) có rẫy sắn cách xa nhà cả chục cây số, đường đi lại xấu, nếu đi - về trong ngày rất tốn thời gian, ngoài ra còn phải canh chừng trâu bò phá hoại nên ông huy động anh em, con cháu trong gia đình vào rẫy ở lại thu 2-3 ngày cho xong. Mùa này nắng gắt, đất khô nên nhổ sắn hơi khó. Chỉ cánh đàn ông to khỏe mới đủ sức nhổ cây sắn bám sâu dưới đất, còn phụ nữ chủ yếu đảm nhận việc chặt củ. Thu sắn xong, ông thuê xe tải vào tận rẫy chở về, giá thuê là 100 nghìn đồng/tấn. Ông cho hay, sắn có giá nên nhiều thương lái đặt điểm thu mua. Nông dân thu sắn xong chở đến đại lý cân rồi lấy tiền luôn. Những năm trước giá sắn thấp, có lúc chỉ 700 đồng/ký tươi, không có người mua, dân phải nài nỉ thương lái mới chịu mua, nhưng lại kì kèo bớt tới bớt lui rất khổ.

Gia đình anh Y Bốt Hmok thu hoạch sắn.
Gia đình anh Y Bốt Hmok thu hoạch sắn.

Nhận thấy cây sắn cho năng suất, lợi nhuận ổn định, nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới tiêu để trồng sắn trái vụ (vụ lỡ). Vụ chính thường trồng từ tháng 5-6 đến tháng 11-12 là cho thu hoạch; còn vụ lỡ thì xuống giống tháng 1-2, cho thu vào đầu tháng 7-8. Anh Nguyễn Văn Tư (xã Cư M’lan, huyện Ea Súp) hiện đang làm đất để xuống gần 1 ha vụ lỡ dọc tỉnh lộ 1 chia sẻ, đất ở đây rất khô cằn, trồng cây gì cũng khó sống. Anh đã từng trồng đậu xanh, bắp lai nhưng năng suất, lợi nhuận không bao nhiêu nên chuyển sang trồng cây sắn. Do địa thế đất trũng, dễ ngập úng nên anh chọn trồng vụ lỡ. Ưu điểm của vụ này là cho sản lượng, giá cả cao hơn vụ chính. Nhưng trồng trái vụ không có “nước trời”, anh Tư phải đầu tư máy nổ, ống dây dẫn nước từ dưới suối sâu lên tưới. Ngoài diện tích này, gia đình anh còn có 5 sào sắn chuẩn bị thu hoạch. Anh nhẩm tính nếu giá cả ổn định ở mức 2 nghìn đồng/ký tươi, anh sẽ thu về hơn 30 triệu đồng, đủ sắm Tết cho cả nhà.

Từ khi có cây sắn, nhiều nông dân huyện Buôn Đôn, Ea Súp đã tận dụng được quỹ đất 1 vụ sang trồng 2 vụ. Nguồn thu này đúng dịp cuối năm, mùa giáp hạt đã phần nào giúp người nông dân vượt qua khó khăn, có tiền lo Tết.

Huỳnh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.