Multimedia Đọc Báo in

Công ty Cổ phần mía đường333: Đổi mới công nghệ, năng động vượt khó

09:39, 04/02/2019
Mặc dù ngành mía đường nói chung đang trong tình trạng khó khăn, nhưng với Công ty Cổ phần Mía đường 333 thì hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn duy trì hiệu quả nhờ những giải pháp đồng bộ.

Nhằm nâng cao năng lực sản xuất, năm 2017, Công ty đã đầu tư hơn 200 tỷ đồng để nâng công suất nhà máy từ 2.500 tấn mía/ngày lên 3.500 tấn mía/ngày, với dây chuyền sản xuất hiện đại bằng thiết bị tự động hóa của châu Âu, Ấn Độ. Nhờ đó, năng suất, chất lượng sản phẩm tăng lên, hiệu suất, tỷ lệ thu hồi cao. Bên cạnh đó, Công ty cũng sắp xếp, tổ chức lại hoạt động sản xuất, giảm số lượng lao động rút ngắn thời gian sản xuất, tăng tối đa công suất chạy máy, giảm chi phí quản lý, vận hành. Đặc biệt, gần đây đơn vị đang nghiên cứu phát triển các sản phẩm sau cây mía nhằm gia tăng hiệu quả sản xuất. Cụ thể, hệ thống sản xuất điện sinh khối được lắp ráp với công suất 10 MW sẽ hòa lưới trong quý I năm 2019, trong đó, một phần sản lượng phục vụ sản xuất tại nhà máy, còn lại bán thương phẩm. Bên cạnh đó, với nguồn nguyên liệu bã mía bùn có trữ lượng 30.000 tấn/năm, rỉ mật 25.000 tấn/năm và một số phế phẩm khác, công ty dự kiến sẽ sản xuất cồn etanol, bột giấy và phân vi sinh nhằm tăng hiệu quả sản xuất.

Một góc Nhà máy đường 333.
Một góc Nhà máy đường 333.

Để phục vụ sản xuất ổn định, Công ty Cổ phần Mía đường 333 đã xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng, bền vững. Cụ thể vùng nguyên liệu mía của Công ty được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch với tổng diện tích 11.800 ha, trong đó, hiện đang thực hiện 7.500 ha, tập trung tại huyện Ea Kar và M’Đrắk. Hằng năm, doanh nghiệp đầu tư 90 - 100 tỷ đồng để liên kết đầu tư cho 2.800 hộ trồng mía theo hình thức trả chậm. Cụ thể, nông dân được đầu tư giống, phân bón, vật tư nông nghiệp với chi phí 30 - 32 triệu đồng/ha (mía trồng mới) và 15 - 17 triệu đồng (mía lưu gốc). Bên cạnh đó, Công ty phối hợp với người trồng mía đưa vào sử dụng 70% các loại giống mía mới năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống hạn và ít sâu bệnh như: KK3, K95-156, VN08-270… Ngoài ra các biện pháp canh tác hiện đại, áp dụng cơ giới hóa trong trồng, chăm sóc và thu hoạch, bốc xếp mía cũng được đơn vị thực hiện nhằm giảm giá thành nguyên liệu đầu vào.

Về công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất, Công ty thực hiện các giải pháp giảm tiếng ồn, độ rung, khói bụi, tiết kiệm năng lượng, nước. Bên cạnh đó, đơn vị đã đầu tư công trình bảo vệ môi trường với tổng số vốn gần 20 tỷ đồng, tiến hành cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, hệ thống giải nhiệt tuần hoàn nước nên toàn bộ lượng nước làm mát, nước tạo chân không trong quá trình sản xuất được quay vòng tuần hoàn để tái sử dụng; cải tạo toàn bộ hệ thống nước thải, nước mưa, nước trong sản xuất để phân loại nước thải trước khi đưa vào xử lý; đồng thời, lắp đặt 2 hệ thống quan trắc khí thải, nước thải kết nối dữ liệu đến Sở Tài nguyên và Môi trường để giám sát quá trình xả thải.

Ông Đoàn Ngọc Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường 333 cho biết, cùng với thực hiện công tác sản xuất, kinh doanh, Công ty luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, thực hiện các hoạt động an sinh xã hội, chung tay xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Minh Thông
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.