Multimedia Đọc Báo in

Hứa hẹn từ cây sả Java trên vùng đất cằn

15:38, 11/02/2019
Được UBND huyện Ea H’leo hỗ trợ cây giống và bao tiêu đầu ra sản phẩm, tháng 8-2018, 18 hộ dân là các hội viên phụ nữ ở xã Ea H’leo đã mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích cây trồng cho năng suất thấp sang thử nghiệm mô hình trồng cây sả Java lấy tinh dầu.
 
Để mô hình được triển khai hiệu quả, trước đó Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện đã phối hợp tổ chức cho các hội viên đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật từ các mô hình trồng sả lấy tinh dầu đã thành công tại xã Ea Tir. Sau khi đi tham quan về, chị Đào Thị Thắm (thôn 2C) quyết định trồng cây sả Java trên diện tích 1 ha đất trồng hồ tiêu bị chết đã bỏ không một năm nay.
 
Chị Thắm cho biết, quy trình trồng sả rất đơn giản, khi bắt đầu trồng chỉ cần lên liếp hoặc xẻ rãnh đặt sả giống vào, với mật độ phù hợp hàng cách hàng và cây cách cây 0,5 m để tạo độ thoáng cho cây sinh trưởng. So với nhiều loại cây khác, trồng cây sả chi phí đầu tư rất ít, chỉ tốn công làm cỏ và bón phân 2 lần/năm. Hơn nữa, cây sả có ưu điểm trồng một lần nhưng cho thu hoạch liên tục 4 - 5 năm, mỗi năm cho thu (cắt lá) 7- 8 lần. Qua hơn 4 tháng trồng và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, vườn sả của chị Thắm phát triển rất tốt, hiện đang cho thu lượt đầu tiên ước đạt gần 3 tấn lá sả tươi, với giá bán 6.000 đồng/kg. 
 
Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ea H’leo thăm vườn sả của chị Đào Thị Thắm (phải) ở thôn 2C.
Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ea H’leo thăm vườn sả của chị Đào Thị Thắm (phải) ở thôn 2C.

 

Trên cánh đồng sả đang được cắt lá, thơm nồng mùi tinh dầu, chị Cao Thị Ngần (thôn 2C) chia sẻ, giữa năm 2018, chị loay hoay chưa biết trồng cây gì thay thế vào diện tích 1 ha đất cằn cỗi không còn phù hợp trồng cây màu nên khi được xã giới thiệu mô hình trồng sả Java và hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, chị quyết định thử nghiệm loại cây trồng mới này.

 

“Để liên kết người nông dân trồng sả, thống nhất từ khâu sản xuất cho đến khi ra sản phẩm, 18 hộ hội viên phụ nữ tham gia mô hình đã đăng ký xây dựng HTX trồng và chế biến tinh dầu sả xã Ea H’leo, dự kiến sẽ ra mắt vào tháng 3 tới. Sau khi đi vào hoạt động, HTX sẽ đầu tư xây dựng lò chưng cất tinh dầu nhằm đem lại giá trị kinh tế cao hơn, hướng tới sản xuất khép kín”

- bà Mai Thị Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ea H’leo.

 
 

Theo chị Ngần, trồng sả không mất nhiều công chăm bón, cây ít sâu bệnh, khả năng chịu hạn tốt, phù hợp với nhiều loại đất. Từ khi xuống giống đến thu hoạch khoảng 4 tháng, sau đó cứ 40 - 45 ngày cho thu một lần bằng cách cắt một lượt lá sả, các vụ tiếp theo cứ làm sạch cỏ xung quanh, tưới nước là cây tiếp tục đâm chồi phát triển lại. Những ngày này, gia đình chị Ngần vẫn đang tích cực thu hoạch lứa sả vụ đầu, theo dõi tình hình sinh trưởng của cây và ghi nhận sản lượng trên phần diện tích này. Nếu khả quan chị Ngần sẽ mở rộng diện tích trồng sả.

Bà Mai Thị Hoa, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ea H’leo cho biết, sau hơn 4 tháng trồng thử nghiệm, 18 ha sả Java của 18 hộ hội viên phụ nữ xã đang cho thu hoạch vụ đầu tiên, bước đầu đã cho hiệu quả rõ rệt, cây sả phát triển rất tốt, phù hợp với thổ nhưỡng tại địa phương. Theo tính toán, khi cây sả sinh trưởng ổn định sẽ cho sản lượng khoảng 25 tấn/ha/năm, với mức giá ổn định trên dưới 5.000 đồng/kg, có thể thu về số lãi 100 triệu đồng/ha. Cây sả Java đang mở ra triển vọng phát triển kinh tế mới, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp trên vùng đất sỏi đen, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nông dân địa phương. Thời gian tới, xã sẽ có kế hoạch tăng cường khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật thâm canh… nhằm từng bước mở rộng diện tích trồng sả, hình thành vùng nguyên liệu, chuyên canh bền vững. 
 
Thùy Linh
 
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.