Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M'gar: Nhiều đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

07:46, 15/02/2019

Những tuyến đường bê tông rộng rãi vào đến tận ngõ, xóm; những ngôi nhà khang trang, kiên cố ngày càng nhiều; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao… Đó chính là thành quả sau chặng đường 8 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở huyện Cư M’gar.

Đến xã Cuôr Đăng hôm nay có thể thấy rõ sự đổi thay. Trước đây, nhiều tuyến đường trên địa bàn xã lầy lội, trơn trượt khó đi, nay các con đường này đã và đang được nâng cấp, mở rộng. Đến nay, 100% tuyến đường liên xã được nhựa hóa; 71% đường xã, liên buôn, trục buôn được nhựa hóa, bê tông hóa, cứng hóa; 60% đường ngõ, xóm được cứng hóa; 45% đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận lợi… Nhiều mô hình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại, gia trại được hình thành, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 3,8%...

Một tuyến đường ở xã Cuôr Đăng đang được bê tông hóa.
Một tuyến đường ở xã Cuôr Đăng đang được bê tông hóa.

Bức tranh nông thôn mới ở Cuôr Đăng còn được tô điểm bởi những gam màu tươi sáng từ những ngôi nhà khang trang, kiên cố… và những “đoạn đường hoa”. Loại hoa được đưa vào trồng chủ yếu là hoa mười giờ, hoa cúc, hoa sam, chiều tím… - các loại hoa dễ sống, thích ứng môi trường, phát triển nhanh, dễ nhân rộng và có màu sắc đẹp. Nhờ bàn tay chăm sóc của người dân, những vạt cỏ dại ven đường đã được thay thế bằng những thảm hoa rực rỡ, góp phần tạo cảnh quan thân thiện, làm cho bộ mặt nông thôn mới ở các địa phương ngày càng khởi sắc, đầy sức sống. Đến cuối năm 2017, xã Cuôr Đăng đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ông Hoàng Viết Cát, Chủ tịch UBND xã Cuôr Đăng cho biết: “Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, qua rà soát xã chỉ mới đạt 5/19 tiêu chí. Sau 8 năm thực hiện, xã đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, đặc biệt trong đó có nhiều tiêu chí vượt cao so với quy định như: tiêu chí số 11 về hộ nghèo và tiêu chí số 2 về giao thông…”.

Sau 8 năm xây dựng nông thôn mới, xã Cư Suê cũng đã khoác lên mình một bộ mặt mới. Kết cấu hạ tầng không ngừng được hoàn thiện, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn. Từ năm 2011 đến nay, xã Cư Suê đã cứng hóa, nhựa hóa và bê tông hóa hơn 29,3 km đường giao thông nông thôn, trong đó có 14,9 km đường nhựa và bê tông. Việc triển khai làm đường rất thuận lợi bởi sự đồng lòng ủng hộ của người dân, nhiều hộ còn tự nguyện hiến một phần diện tích đất của gia đình, tháo bỏ tường rào mà không hề đòi hỏi đền bù hay hỗ trợ nào từ chính quyền địa phương, chỉ với mong muốn con đường sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng. Gia đình ông Nguyễn Tấn Phát là một trong những hộ đi đầu trong phong trào hiến đất làm đường ở thôn 2. Đất của gia đình trải dài 80 m, theo quy định mỗi bên lùi vào 0,5 m nên diện tích đất phải hiến lên đến 40 m2, đồng thời phải chặt đi một hàng cau hơn 20 năm tuổi trên đó trồng xen tiêu. Vì lợi ích chung, ông Phát đã sẵn sàng hiến đất và đóng góp thêm 4 triệu đồng để bê tông hóa tuyến đường.

 
“Phong trào xây dựng nông thôn mới nhận được sự đồng hành, tham gia tích cực của nhân dân. Đây là yếu tố quan trọng để xây dựng Cư M’gar trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2020” 
 
Ông Trương Văn Chỉ, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar

Không chỉ cơ sở hạ tầng, đời sống của người dân cũng được cải thiện và nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người của xã Cư Suê hiện đạt 40 triệu đồng/năm; số hộ nghèo giảm chỉ còn hơn 4%... Các lĩnh vực giáo dục, văn hóa - xã hội trên địa bàn xã cũng có sự chuyển biến tích cực. Đến nay, có 72,72% thôn, buôn có nhà sinh hoạt cộng đồng, sân thể thao; 85% hộ đạt gia đình văn hóa, 10/11 thôn, buôn được công nhận thôn, buôn văn hóa; 93,8% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh; xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế... Qua những kết quả đã đạt được, cuối năm 2018 xã đã đạt 19/19 tiêu chí (tăng 9 tiêu chí so với năm 2011).

Trong 8 năm qua (2011 – 2018), tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đạt 274,5 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 91,5 tỷ đồng, hiến 71.200 m2 đất, hơn 52.000 ngày công lao động đầu tư xây dựng đường giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, y tế, trường học… Số lượng xã "cán đích” nông thôn mới ngày càng nhiều, các chỉ tiêu đạt được cũng ngày càng được nâng cao về chất lượng. Đến cuối năm 2018, toàn huyện đã đạt được 260/285 tiêu chí (bình quân mỗi xã đạt 17,33 tiêu chí). Trong đó, có 9 xã đạt 19/19 tiêu chí (gồm: Quảng Tiến, Ea Kpam, Cư Suê, Cư D’liê Mnông, Ea Tul, Cuôr Đăng, Quảng Hiệp, Ea M’nang, Ea Tar), 3 xã đạt 15 – 18 tiêu chí, 3 xã đạt 10 – 14 tiêu chí và không có xã nào đạt dưới 10 tiêu chí. Với thành tích này, huyện Cư M’gar trở thành một trong những địa phương nằm trong tốp đầu của tỉnh trong phong trào xây dựng nông thôn mới…

Trung Dũng

 

 

 


Ý kiến bạn đọc