Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea Kar: Tập trung phát triển nông sản chủ lực để nâng cao giá trị sản xuất

08:45, 26/02/2019

Nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của huyện Ea Kar. Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, huyện đã và đang tập trung phát triển những nông sản chủ lực nhằm tạo bước chuyển trong tái cơ cấu ngành theo hướng gia tăng chuỗi giá trị.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, thiên tai, sự biến động mạnh về giá một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực nhưng những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của huyện Ea Kar có những bước phát triển vượt bậc, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội trên địa bàn huyện. Năm 2018, tổng giá trị sản xuất của huyện đạt trên 8.725 tỷ đồng, trong đó ngành nông - lâm - thủy sản đạt 4.855 tỷ đồng, tăng 7,4% so với năm 2017.

Nông dân xã Ea Sar phát triển cây vải mang lại thu nhập cao và ổn định.
Nông dân xã Ea Sar phát triển cây vải mang lại thu nhập cao và ổn định.

Để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững, huyện Ea Kar đã ưu tiên các nguồn lực tập trung đầu tư phát triển các vùng sản xuất hàng hóa nông sản chủ lực; chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng thâm canh, tăng vụ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng các giống mới có năng suất, chất lượng cao, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, người nông dân cũng đã mạnh dạn đầu tư các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp như máy gặt đập liên hợp, máy sấy, máy phun thuốc, máy cày, máy kéo… Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của huyện Ea Kar đạt trên 80%.

Huyện Ea Kar hiện có 32 hợp tác xã, 19 tổ hợp tác, trên 130 trang trại, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.

Từ chỗ sản xuất nhỏ lẻ, độc canh cây lúa, đến nay sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện Ea Kar ngày càng đa dạng, dần hình thành các vùng sản xuất tập trung như: lúa lai, lúa giống ở xã Cư Ni, Ea Ô, Ea Kmút, Ea Păl; vùng chuyên canh ngô tại Cư Bông, Cư Yang; vùng sản xuất mía, sắn ở Ea Sô, Ea Sar, Ea Păl, Cư Elang; vùng tiêu, ca cao ở Cư Huê, Xuân Phú, Ea Kmút, Ea Đar, Cư Ni; vùng sản xuất cây ăn quả ở xã Cư Elang, Ea Sô, Ea Sar; vùng sản xuất rau xanh ở xã Ea Kmút, Ea Ô...

Trong lĩnh vực chăn nuôi, huyện tập trung phát triển theo chuỗi giá trị hàng hóa, sử dụng giống tốt, thức ăn công nghiệp, nhằm tăng chất lượng đàn vật nuôi, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học và hạn chế ô nhiễm môi trường. Hiện toàn huyện có trên 2,6 triệu con gia súc gia cầm; trong đó có 28.241 con trâu, bò, trên 116.400 con heo và hơn 2,4 triệu con gia cầm; sản lượng thịt hơi đạt 37.468 tấn, tập trung chủ yếu ở các xã: Ea Týh, Ea Đar, Ea Kmút, Xuân Phú, Cư Bông...

Nông dân xã Ea Kmút sử dụng cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch lúa.
Nông dân xã Ea Kmút sử dụng cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch lúa.

Ông Hồ Tấn Cư, Trưởng Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện cho biết, trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của huyện, thời gian tới, Ea Kar sẽ tập trung phát triển kinh tế tập thể nhằm tạo “cầu nối” liên kết nông dân với doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị bền vững, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao tỷ trọng ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời phát triển chăn nuôi an toàn dịch bệnh và an toàn sinh học theo quy mô trang trại, chú trọng bảo vệ môi trường, áp dụng công nghệ tự động hóa từng khâu và toàn bộ quá trình sản xuất.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.