Multimedia Đọc Báo in

Những thanh niên... "liều lĩnh"

07:25, 09/02/2019

Với sự nhạy bén, ý chí vượt khó lập nghiệp, sau khi tích lũy kiến thức ở trường đại học, họ trở về địa phương thực hiện hoài bão của mình.

Làm chơi… ăn thật

Những ngày này, quán cà phê Thủy Sinh của anh Phạm Thế Thành (SN 1992) ở tổ dân phố 6, thị trấn Ea Đrăng (huyện Ea H’leo) tấp nập khách vào ra. Họ tìm đến quán không chỉ để thưởng thức cà phê mà còn chọn cho mình vài chú cá cảnh ưng ý hay chỉ nhờ tư vấn cách nuôi, chăm sóc cá cảnh.

Năm 2014, tốt nghiệp ngành Quản lý Giáo dục, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, Thành quyết định trở về địa phương khởi nghiệp từ chính sở thích mà anh đã dành nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu từ khi còn nhỏ - nuôi cá cảnh.

Anh Phạm Thế Thành tư vấn cho khách hàng đến mua cá cảnh.
Anh Phạm Thế Thành tư vấn cho khách hàng đến mua cá cảnh.

Được sự trợ giúp của gia đình, Thành đầu tư gần 100 triệu đồng nuôi 30 bể cá cảnh. Do chưa có kinh nghiệm nên anh liên tiếp thất bại, có lần hàng loạt cá cảnh mới nhập về chết sau một đêm. Anh Thành nhớ lại: “Vừa xót cá, xót tiền, nhưng chính sự đam mê dành cho loài động vật thủy sinh này đã “nâng” tôi dậy. Tôi muốn khẳng định với mọi người rằng: Mình có thể khởi nghiệp từ một công việc được cho là… làm chơi”.

Sau một năm dành hết tâm huyết vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm, anh Thành đã nắm vững kỹ thuật nuôi cá và có thể tự lai tạo cá giống thành công. Khi đã có lượng khách hàng ổn định, đầu năm 2018, anh mạnh dạn mở quán cà phê Thủy Sinh kết hợp kinh doanh cá cảnh với không gian tinh tế do chính anh thiết kế, rộng 150 m2. Để thu hút khách, anh Thành thường xuyên đi TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bình Định… để tìm mua các giống cá cảnh mới, độc, lạ.

Hiện tại, quán cà phê của anh có hơn 50 bể cá kinh doanh, với nhiều loại như: cá rồng, cá koi, cá la hán, cá hỏa tiễn có nguồn gốc từ các nước Nhật Bản, Malaysia, Singapore… Ngoài cá cảnh, anh còn cung cấp các loại bể cá, máy móc, phụ kiện, thủy sinh, thức ăn, thuốc men dành cho cá. Tùy theo chủng loại, kích thước mà mỗi loại cá có giá bán từ vài nghìn đồng đến hàng chục triệu đồng/con. Trung bình mỗi tháng, riêng tiền bán cá cảnh anh Thành thu về hơn 10 triệu đồng.

Ngoài phát triển kinh tế, anh Thành còn là Bí thư Chi đoàn tổ dân phố 6 năng nổ, tích cực tham gia phong trào do đoàn cấp trên phát động, được mọi người yêu mến.

Khởi nghiệp với thực phẩm sạch

Xuất thân trong một gia đình thuần nông, không có điều kiện kinh tế, từ nhỏ anh Nguyễn Hoàng Vũ (SN 1993) ở thôn 1 (xã Cư Kty, huyện Krông Bông) đã ấp ủ ước mơ làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình.

Đang học năm thứ hai ngành Công nghệ Điện tử, Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Vũ quyết định bỏ ngang vì cảm thấy không phù hợp. Năm 2013, anh thi đỗ vào ngành Chăn nuôi - Thú y của Trường Đại học Tây Nguyên. Tốt nghiệp, thay vì đi xin việc, Vũ chọn cách về nhà làm nông nghiệp theo cách riêng của mình chứ không theo lối truyền thống. Xác định khó khăn lớn nhất khi bắt tay vào khởi nghiệp là vốn, nên hướng đi của anh ngay từ đầu là “lấy ngắn nuôi dài”.

Mô hình nuôi ếch thương phẩm của anh Nguyễn Hoàng Vũ.
Mô hình nuôi ếch thương phẩm của anh Nguyễn Hoàng Vũ.

Với 1,2 ha đất của gia đình, anh Vũ vay mượn 30 triệu đồng đầu tư mua 1.000 con gà ri về nuôi. Nắm bắt tâm lý của người tiêu dùng hiện nay chuộng thực phẩm sạch nên anh chọn cách nuôi thả vườn để gà có chất lượng thịt cao. Sau mỗi lứa gà xuất bán, có vốn, anh xây dựng thêm chuồng trại nuôi heo với tổng đàn hơn 60 con heo thịt. Để dễ quản lý, chăm sóc và kiểm soát dịch bệnh, mỗi trại nuôi được anh Vũ tách thành từng khu riêng, bố trí hệ thống sát trùng ngay từ cổng ra vào, tránh mầm bệnh cho vật nuôi. Bằng cách nuôi gối đầu, tháng nào anh cũng xuất bán 100 - 300 con gà, 15 - 20 con heo. Đầu năm 2018, qua tìm hiểu, anh nhận thấy mô hình nuôi ếch thương phẩm đầy triển vọng, dễ nuôi, ít rủi ro, anh mạnh dạn nuôi. Nhờ đầu ra ổn định 70.000 - 80.000 đồng/kg, lứa ếch 2.000 con nuôi thử nghiệm sau gần 4 tháng đã cho anh nguồn thu nhập kha khá.

Sau nhiều nỗ lực, đến nay trang trại của anh Vũ đã cho “quả ngọt”. Mỗi năm anh xuất chuồng hàng nghìn con gà, heo, ếch, đem lại lợi nhuận hơn 250 triệu đồng. Anh dự định sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi, xây dựng thương hiệu nuôi gà sạch an toàn sinh học gắn với chỉ dẫn địa lý và hướng tới sản xuất các loại con giống cung ứng cho thị trường.

Thùy Linh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.