Multimedia Đọc Báo in

Phát triển du lịch miền Trung – Tây Nguyên: Lấy cụm ngành làm trung tâm

10:23, 18/02/2019

Ngày 16-2, tại TP. Huế, 19 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên đã liên kết tổ chức Hội nghị “Phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên” để bàn về các cơ chế, chính sách, giải pháp đột phá vực dậy tiềm năng rất lớn về du lịch ở khu vực này.

Hội nghị có sự tham dự Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, hơn 500 đại biểu là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương, các chuyên gia kinh tế, du lịch… Phát biểu tại hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn đánh giá: Tính chất giàu tài nguyên và di sản nơi đây cho thấy sự hội tụ của linh khí trời và đất, là vùng đất thiêng liêng, nơi giao hòa giữa tự nhiên và con người. Tuy nhiên, tài nguyên du lịch nơi đây nhìn chung vẫn như “viên ngọc thô chưa được mài dũa hoặc chưa tìm được người thợ dũa xứng đáng”.

Nhiều mà vẫn… thiếu

Khu vực miền Trung - Tây Nguyên có vị trí quan trọng trong bản đồ du lịch Việt Nam. Toàn khu vực hiện có 12 sân bay đang hoạt động với 5 sân bay quốc tế; hệ thống cảng biển được nâng cấp với 10 cảng biển loại 1. Tiềm năng du lịch biển, đảo được xem là thế mạnh với chuỗi các bãi biển đẳng cấp quốc tế, nhiều vịnh đẹp thế giới và nhiều đảo, bán đảo hấp dẫn trải dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận; tài nguyên du lịch núi rừng với nhiều điểm du lịch sinh thái đồi núi, thác, hồ nổi tiếng tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên. Toàn khu vực còn có 9 Vườn quốc gia, nhiều khu bảo tồn thiên nhiên hoang sơ, nguyên vẹn, là nơi tập trung 14 di sản thế giới và 40 di tích quốc gia đặc biệt; là địa bàn sinh sống của 47 dân tộc anh em với nhiều nét văn hóa đặc sắc.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến các địa phương miền Trung trao quyết định chủ trương  đầu tư cho các doanh nghiệp tại Hội nghị.  Ảnh: chinhphu.vn
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến các địa phương miền Trung trao quyết định chủ trương đầu tư cho các doanh nghiệp tại Hội nghị. Ảnh: chinhphu.vn

Với khá nhiều tiềm năng tài nguyên du lịch như vậy nhưng theo phân tích của đại biểu tại Hội nghị thì đó đôi khi cũng là bất lợi, khiến chúng ta khó tìm được một bản sắc, sự nhận diện thương hiệu, lưỡng lự trong lựa chọn ưu tiên, kể cả ưu tiên đầu tư trong điều kiện nguồn lực có giới hạn. Đây cũng được xem là một cách nhìn nhận khá mới mẻ, mạnh dạn. Bởi nhiều tài nguyên đôi khi còn là "cái bẫy" dẫn đến sự thiếu quan tâm, chắt chiu đúng mực trong quản lý, phân bổ, khai thác, sử dụng, khiến cho tài nguyên dễ bị lãng phí, không hiệu quả, bởi tài nguyên dẫu có vô tận nhưng nếu không biết khai thác thì cũng bị cạn kiệt, suy thoái. Nhiều tài nguyên cũng có thể khiến chúng ta chỉ tập trung vào khai thác tài nguyên mà thiếu chú trọng đầu tư những yếu tố khác, do vậy cần quan tâm cả đến những yếu tố mang tính hỗ trợ nhưng không kém phần quan trọng để phát huy cao nhất các giá trị của tài nguyên.

Lấy cụm ngành làm trung tâm

Theo đánh giá tại Hội nghị, về tổng thể, phát triển du lịch miền Trung – Tây Nguyên còn mất cân đối. Tài nguyên du lịch bị phân mảnh trong quản lý, khai thác, sử dụng; mức chi tiêu trung bình của du khách còn thấp. Lâu nay, chúng ta chỉ tư duy phát triển du lịch như là một ngành duy nhất, thay vì phát triển theo cụm ngành. Nâng cao chất lượng nhân lực ngành du lịch để làm hài lòng du khách vẫn là câu hỏi lớn. Thực tế nguồn nhân lực du lịch thiếu và yếu về trình độ chuyên môn lẫn kỹ năng, kỹ thuật, còn tồn tại tình trạng "chặt chém" du khách, cùng với vấn nạn taxi dù, chèo kéo, bán hàng rong, mất vệ sinh, thiếu an ninh, một vài trường hợp lừa đảo, ép khách du lịch đã làm xấu bộ mặt du lịch.

“Chúng ta cần tư duy phát triển du lịch theo nguyên lý lấy cụm ngành làm trung tâm chứ không phải lấy tài nguyên du lịch làm trung tâm”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. Cụ thể là phát triển các cụm ngành du lịch như: Cụm ngành du lịch nghỉ dưỡng, cụm ngành du lịch văn hóa, lịch sử, cụm ngành du lịch di sản, cụm ngành du lịch biển đảo, cụm ngành du lịch sinh thái, cụm ngành du lịch khám phá đồi núi, đặc biệt là cụm ngành khám phá hang động. Một cụm ngành bao gồm nhiều ngành có liên quan, trong đó, trung tâm là tài nguyên du lịch tự nhiên, nhân tạo, xoay quanh là các dịch vụ ăn uống, ngủ, nghỉ, vui chơi, giải trí. Ngoài ra còn có các ngành cung cấp các yếu tố đầu vào, các dịch vụ hỗ trợ có liên quan như đào tạo nhân lực, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, cung cấp các sản phẩm địa phương, quản lý tài sản, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe và an ninh an toàn. Phát triển du lịch phải đặt vấn đề cụm ngành đồng bộ chứ không phải khai thác tài nguyên du lịch một cách đơn thuần.

Trong năm 2018, tổng lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 15,5 triệu lượt, khách du lịch nội địa hơn 80 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 620.000 tỷ đồng. Trong đó, khu vực miền Trung và Tây Nguyên đón khoảng 56 triệu lượt khách, riêng khách quốc tế hơn 9,5 triệu lượt (chiếm khoảng 60% khách quốc tế cả nước); tổng thu từ du lịch hơn 110.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 18,75% tổng thu du lịch của cả nước).


Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.