Multimedia Đọc Báo in

Thu nhập ổn định từ nghề sơ chế nghệ ở Hòa An

08:44, 26/02/2019

Những năm gần đây, nghề sơ chế nghệ củ đã giúp nhiều hộ dân ở xã Hòa An (huyện Krông Pắc) có "của ăn của để", nuôi con ăn học.

Hòa An không phải là vùng trồng nghệ, nhưng từ nhiều năm nay nơi đây là điểm sơ chế nghệ củ được nhiều người biết đến. Theo tìm hiểu, hằng ngày có đến hàng trăm tấn nghệ củ được thương lái, người dân các huyện trong tỉnh vận chuyển đến bán cho những hộ làm nghề sơ chế nghệ tại địa bàn xã.

Hơn 10 năm gắn bó với nghề sơ chế nghệ củ, chị Trần Thị Thơm (thôn 6B) chia sẻ, việc sơ chế nghệ không khó, chỉ cần thời tiết nắng thuận lợi, sân phơi rộng sẽ cho ra những mẻ nghệ cắt lát khô màu vàng tươi, bán với giá cao. Ngược lại, nếu cắt nghệ gặp hôm trời âm u sẽ cho màu sẫm, bị thương lái ép giá. Với một máy cắt, mỗi ngày gia đình chị thu mua khoảng 20 tấn nghệ tươi, ngoài công tự làm của hai vợ chồng, chị còn phải thuê thêm 2 lao động để bốc vác nghệ củ lên máy cắt. Nếu trời nắng gió một mẻ nghệ cắt chỉ cần 3 - 4 ngày là khô, gặp bữa ít nắng phải phơi từ 5 - 6 ngày. Cứ 10 tấn nghệ củ sẽ cho ra khoảng 2 tấn nghệ cắt lát phơi khô. Sau khi cho ra thành phẩm, gia đình chị sẽ đóng bao và tích trữ theo số lượng nhất định để các thương lái ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương cho xe đến vận chuyển đi tiêu thụ. Nhờ nghề sơ chế nghệ mà gia đình chị có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống, nuôi các con học hành. Hiện nay con gái thứ hai của vợ chồng chị đã ra trường, có việc làm ổn định ở tỉnh Khánh Hòa, con gái đầu học ngành Y năm cuối cũng chuẩn bị ra trường. Đặc biệt, trong tầm 3 - 4 năm trở lại đây, khi nông sản luôn bị rớt giá thì nghề phụ này trở thành nguồn thu nhập chính của cả gia đình chị Thơm.

Chị Trần Thị Thơm đảo nghệ sau khi cắt miếng.
Chị Trần Thị Thơm đảo nghệ sau khi cắt miếng.

Gia đình chị Lê Thị Thanh Sơn (thôn 6B) cũng có 5 năm gắn bó với nghề sơ chế nghệ. Chị Sơn cho biết, thời gian phù hợp nhất để sơ chế nghệ bắt đầu từ tháng 12 âm lịch đến hết tháng 4 năm sau. Đây là thời điểm mùa khô nên việc phơi nghệ dễ dàng, nhanh khô, chất lượng nghệ tốt. Mỗi lứa nghệ gia đình chị thu mua từ 30 - 40 tấn nghệ củ, ngoài phơi ở sân nhà, chị còn thuê mặt bằng nơi khác để phơi nghệ. Nguồn nghệ củ của gia đình thường được các thương lái chở từ xã Ea Siên (thị xã Buôn Hồ), huyện Ea Kar, M’Đrắk về theo giá thị trường. Với giá nghệ tươi thời điểm hiện tại là 3.500 đồng/kg, trừ chi phí nhân công, mỗi tấn nghệ sau khi sơ chế, chị thu lãi từ 400.000 - 500.000 đồng. Khoảng 2 năm trở lại đây, khi diện tích nghệ tăng mạnh, “trào lưu” làm và sử dụng tinh bột nghệ tăng mạnh thì giá nghệ khô cắt lát cũng rẻ và khó bán hơn. Tuy nhiên, với kinh nghiệm hơn 5 năm làm nghề và phương châm lấy chất lượng làm đầu, khi nhập nghệ, chị luôn chọn những mẻ nghệ có củ to, già, chất lượng tốt, thường xuyên đảo nghệ khi phơi để nghệ khô đều, màu đẹp nên đầu ra khá ổn định.

Ông Nguyễn Đức Nhâm, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa An cho biết, hiện nay chưa có thống kê đầy đủ về số lượng các hộ dân tại địa phương làm nghề sơ chế nghệ, song mỗi năm, số gia đình làm nghề này đều tăng lên và nhiều hộ đã có thu nhập cao, ổn định. Đồng thời, nhiều lao động nhàn rỗi trên địa bàn tìm được việc làm và có thu nhập tương đối ổn định từ 180.000 – 200.000 đồng/ngày mà không phải di chuyển xa. Tuy nhiên, hiện tại đa phần các hộ dân đều làm gia công, mua củ nghệ về để sơ chế và bán cho thương lái khác mà không có hợp đồng mua bán nên rủi ro rất cao. Do đó, địa phương khuyến cáo bà con không nên đổ xô bỏ vốn mua nghệ ồ ạt khi chưa chắc chắn đầu ra để tránh rủi ro có thể xảy ra.

Hoàng Tuyết – Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.