Multimedia Đọc Báo in

TX. Buôn Hồ: Cải thiện cuộc sống lao động nông thôn sau đào tạo nghề

09:26, 21/02/2019

Thực hiện chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, TX. Buôn Hồ đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp hiệu quả gắn đào tạo nghề với tạo việc làm nâng cao thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động và giảm nghèo bền vững.

Hằng năm các cấp chính quyền, cơ quan chức năng thị xã đã chú trọng tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để lao động nông thôn biết và tích cực tham gia học nghề; tổ chức tư vấn học nghề và tạo việc làm thông qua các ngày hội việc làm. Nhờ đó, hiệu quả đào tạo nghề được nâng lên, học viên là lao động nông thôn đã được đào tạo các nghề cơ bản, biết áp dụng kiến thức vào thực tế lao động sản xuất, nâng cao năng suất lao động đồng thời có cơ hội việc làm tại các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp, thu nhập ổn định.

Ông Y Thanh Kbuôr, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên TX. Buôn Hồ cho biết, từ năm 2011 đến nay, Trung tâm đã mở được 32 lớp đào tạo nghề cho hơn 1.120 học viên, gồm các nghề xây dựng dân dụng, cơ khí, trồng rau an toàn, chăn nuôi... Để nâng cao chất lượng đào tạo, Trung tâm đã chú trọng nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên, tổ chức đào tạo các ngành nghề phù hợp với đặc thù của địa phương, theo nhu cầu của thị trường sử dụng lao động, tăng thời lượng thực hành để người học dễ tiếp cận. Nhờ vậy phần lớn các học viên học nghề đều có việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào quá trình trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả cao.

Anh Y Ngai xây dựng nhà cho người dân trong xã.
Anh Y Ngai xây dựng nhà cho người dân trong xã.

Trước đây, do đất sét, cằn cỗi nên năng suất cây trồng thấp, vợ chồng anh Y Ngai Niê và chị H’Muh Byă (buôn K’Miên, xã Ea Đrông) phải làm thuê vất vả để nuôi ba người con ăn học. Đầu năm 2016, anh Y Ngai được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho đi học nghề xây dựng dân dụng theo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Sau khi hoàn thành khóa học, anh Y Ngai cùng các lao động khác đứng ra nhận thi công các công trình tại địa phương cũng như các vùng lân cận. Nhờ chịu khó, lại có tay nghề nên anh Y Ngai có thu nhập ổn định, bình quân từ 200 - 250 nghìn đồng/ngày. Năm 2018, vợ anh là chị H’Muh cũng mạnh dạn đăng ký theo học lớp may công nghiệp tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã. Sau khi hoàn thành khóa học, chị về mở tiệm may nhỏ tại gia đình, nhận may và sửa chữa quần áo của người dân xung quanh. Nhờ biết tính toán, chăm chỉ lao động nên đến nay đời sống của gia đình anh Y Ngai, chị H’Muh khấm khá hơn rất nhiều, xây dựng được nhà cửa khang trang. Anh Y Ngai phấn khởi chia sẻ: “Trước đây, vợ chồng tôi quanh năm gắn bó với ruộng vườn nhưng thu nhập chẳng đáng bao nhiêu. Từ ngày có nghề ổn định, cuộc sống của gia đình được cải thiện đáng kể”.

Đến nay, chị H'Yui Niê đã nổi tiếng là “bà đỡ” mát tay của vật nuôi ở buôn Sing A (xã Ea Đrông). Mỗi khi vật nuôi ở gia đình nào có vấn đề hay chuyển dạ, bà con lại tìm đến chị H'Yui nhờ giúp đỡ. Chị H'Yui Niê bộc bạch: “Những kiến thức chuyên môn tiếp thu được từ khóa học nghề chăn nuôi thú y năm 2012 không chỉ giúp tôi nâng cao hiệu quả chăn nuôi tại gia đình mà còn có thể giúp đỡ bà con trong buôn mỗi khi cần”. Được biết, trước kia gia đình chị H’Yui chăn nuôi heo theo kiểu truyền thống nên heo chậm lớn, thường xuyên bị dịch bệnh, hiệu quả kinh tế không đáng kể. Từ khi hoàn thành khóa học chăn nuôi, chị đã nhận biết được triệu chứng bệnh của heo để điều trị kịp thời, biết phối tinh nhân tạo… Nhờ vậy, hiệu quả chăn nuôi của gia đình được nâng cao hẳn lên. Hiện mỗi năm gia đình chị nuôi 3 lứa heo, trung bình 10 con/lứa; nhờ chị biết áp dụng kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh hiệu quả nên heo mau lớn, năng suất cao hơn, từ đó thu nhập của gia đình chị được cải thiện đáng kể.

Ninh Trang


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.