Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M'gar: Phát triển mạnh mô hình ứng dụng công nghệ cao

12:10, 29/03/2019

Những năm qua, sản xuất nông nghiệp ở huyện Cư M’gar đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt đã xuất hiện nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm của nông sản.

Nắm bắt được nhu cầu thị trường, cuối năm 2017, Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Agrieco Việt Nam đã đầu tư 4 tỷ đồng thực hiện trồng rau thủy canh tại tổ dân phố 6, thị trấn Quảng Phú. Trên diện tích 4.000 m2, công ty trồng các loại rau như: cải xanh, cải ngọt, tần ô và các loại xà lách... Ðây cũng là mô hình trồng rau thủy canh đầu tiên trên địa bàn huyện Cư M’gar.

Mô hình trồng rau thủy canh của Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Agrieco Việt Nam.
Mô hình trồng rau thủy canh của Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Agrieco Việt Nam.

Thay vì gieo trồng trên mặt đất như rau truyền thống, hạt giống rau thủy canh được ươm trong mút xốp đã xử lý nấm bệnh, khi cây phát triển mới được tách ra cho vào những rọ bằng nhựa và đưa lên giàn trồng. Nước tưới cho rau được bơm từ bể chứa lên hệ thống ống nhựa, sau đó chảy xuống rồi quay về bể chứa thành một vòng tuần hoàn khép kín. Toàn bộ hệ thống được điều khiển tự động, giúp quy trình chăm sóc rau được bảo đảm đầy đủ chất dinh dưỡng, giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt, từ lúc gieo cho đến khi cho thu hoạch khoảng 20 – 25 ngày, thấp hơn nhiều so với trồng truyền thống… Chị Vũ Thị Kim Dung, nhân viên Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Agrieco Việt Nam cho biết: “Dinh dưỡng cho cây được truyền trực tiếp qua nước và được kiểm soát rất chặt chẽ, do vậy cây phát triển nhanh và nhanh cho thu hoạch, chẳng hạn giống rau từ 30 – 35 ngày nhưng trồng theo phương pháp này chỉ cần 20 – 25 ngày là có thể thu hoạch, năng suất cũng cao hơn so với trồng theo phương pháp truyền thống. Chi phí về nhân công cũng giảm đáng kể”. Với diện tích 4.000 m2 trồng rau thủy canh, mỗi ngày 1.000 m2 cho thu hoạch 1 tạ rau, giá bán ra thị trường khá cao so với các loại rau thông thường, cụ thể rau cải các loại như: cải thìa, cải cay, cải bẹ trắng có giá giao động từ 30.000 - 35.000 đồng/kg; còn rau xà lách các loại từ 40.000 – 45.000 đồng/kg… Với sản lượng tiêu thụ ổn định, sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi tháng trồng rau thủy canh đã mang lại lợi nhuận đáng kể cho doanh nghiệp này.

Đây chỉ là một trong nhiều mô hình đang được triển khai tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 5 ha của huyện Cư M’gar tại tổ dân phố 6, thị trấn Quảng Phú. Trên diện tích này, huyện Cư M’gar đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đến đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, với các sản phẩm như: rau xanh, chanh dây, cam, quýt… Các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đã mở ra hướng đi mới, nhiều triển vọng cho sản xuất nông nghiệp của địa phương, đồng thời góp phần nâng cao năng suất và chất lượng nông sản… Ông Hứa Chấn Trí, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar cho biết: “Trong tổng số 5 ha, đến nay đã có hơn 3 ha được các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao. Thực tế cho thấy, rau, củ, quả được ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm luôn có đầu ra ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp. Ngoài thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar cũng đang triển khai xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Ea Kpam với diện tích 100 ha. Huyện cũng đang tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình có năng lực, đủ điều kiện đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các khu vực đã quy hoạch, cùng nhiều chính sách ưu đãi.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.