Multimedia Đọc Báo in

Những "điểm tựa" cho người nghèo

09:11, 05/03/2019

Để chia sẻ khó khăn với người nghèo, các cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể đã có những cách làm khác nhau, kêu gọi, huy động được sự giúp đỡ của nhiều tấm lòng hảo tâm trong xã hội.

Những mái ấm nghĩa tình

Gia đình chị Tô Thị Hiệp (thôn An Bình, xã Ea Tih, huyện Ea Kar) là một trong 3 hộ nghèo của xã được hỗ trợ xây dựng nhà ở trong năm 2018. Bản thân chị không có nghề nghiệp ổn định lại thường xuyên đau ốm, nhiều năm nay hai mẹ con chị phải sống trong căn nhà tạm bợ, chật chội nhưng không có điều kiện để sửa sang lại. Tháng 8-2018, chị Hiệp được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho vay 25 triệu đồng, chính quyền địa phương hỗ trợ 5 triệu đồng để làm nhà. Ban tự quản thôn cũng đã vận động đoàn viên, thanh niên và bà con trong thôn đóng góp ngày công giúp chị Hiệp xây dựng được căn nhà mới  trị giá gần 50 triệu đồng.

Túp lều gỗ ọp ẹp ngày nào của gia đình ông Hồ Văn Phẩm (thôn Đoàn Kết 2) nay đã được thay thế bằng ngôi nhà mới vững chắc. Được biết, vợ chồng ông Phẩm đã lớn tuổi nhưng không có đất sản xuất nên phải đi làm thuê kiếm sống qua ngày, con cái lại đi làm ăn xa. Trong khi, ngôi nhà đang ở của gia đình ông đã xuống cấp trầm trọng nhưng không có tiền để xây lại. Năm 2015, từ số tiền 30 triệu đồng được hỗ trợ để xây nhà theo Chương trình 167 của Chính phủ cùng với số tiền dành dụm, vay mượn người thân, gia đình ông Phẩm đã làm được căn nhà cấp 4 rộng 48 m2, với tổng kinh phí gần hơn 60 triệu đồng.

Ông Hồ Văn Phẩm, thôn Đoàn Kết 2 (bên trái) trong căn nhà mới.
Ông Hồ Văn Phẩm, thôn Đoàn Kết 2 (bên trái) trong căn nhà mới.

Ông Nguyễn Tiến Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tih cho biết: Thông qua các nguồn vốn của Chương trình 167, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Vì người nghèo, Đền ơn đáp nghĩa cùng với sự chung tay giúp sức của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm…, từ năm 2014 đến nay, xã đã xóa được 27 nhà tạm, nhà dột nát, với mức hỗ trợ từ 20-30,5 triệu đồng/căn. Ngoài nguồn kinh phí của Nhà nước và các tổ chức xã hội, xã đã vận động nhân dân, anh em dòng họ hỗ trợ về mặt bằng xây dựng, nhân lực nhằm giúp đỡ các hộ có điều kiện hoàn thiện công trình.

Chồng chị Nguyễn Thị Kim Yến (45 tuổi, thôn Đồng Tâm, xã Đray Sáp (huyện Krông Ana) mất gần chục năm nay. Một mình chị Yến phải vất vả nuôi bà, mẹ đã già yếu cùng hai con nhỏ đang tuổi ăn học. Đất sản xuất không có, hằng ngày chị Yến phải đi làm thuê, làm mướn, lượm ve chai để trang trải sinh hoạt nên cuộc sống gia đình luôn trong tình cảnh túng thiếu. Gia đình với bốn thế hệ phải sống trong căn nhà nhỏ ọp ẹp, rách nát có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Biết được hoàn cảnh của chị Yến, anh Phạm Bá Nguyên, Bí thư Đoàn Đray Sáp xã rất xót xa. “Ngay lập tức tôi chia sẻ hoàn cảnh đáng thương của gia đình chị Yến lên mạng xã hội và nhận được sự đồng cảm của các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ hơn 18 triệu đồng để xây nhà cho chị Yến". UBND xã Đray Sáp cũng đã tạo điều kiện, hỗ trợ gia đình chị Yến 30,5 triệu đồng từ Chương trình 167, nhờ đó gia đình chị Yến đã có được căn nhà khang trang mà bao lâu nay hằng mong ước. Có nhà mới, chị Yến có thêm động lực, niềm tin nỗ lực vươn lên trong cuộc sống để chăm lo cho bà, mẹ và hai con.

 Gia đình chị Yến không phải là trường hợp cá biệt, từ năm 2016 đến nay, Đoàn xã Đray Sáp đã kêu gọi, phối hợp, hỗ trợ cho 5 hộ khó khăn về nhà ở trên địa bàn xây dựng nhà ở, bình quân mỗi căn nhà trị giá 50 – 60 triệu đồng.

Hỗ trợ những chiếc “cần câu”

Không dừng lại ở việc hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở, nhiều địa phương, tổ chức, đoàn thể đã chọn cách hỗ trợ những chiếc “cần câu” – đó là vốn, kỹ thuật, giống vật nuôi nhằm giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Đơn cử, trong tháng 12-2018 cán bộ Đoàn xã Đray Sáp (huyện Krông Ana) đã đến từng gia đình khó khăn ở các thôn, buôn trong xã khảo sát tình hình, nắm bắt nhu cầu cần giúp đỡ. Đoàn xã đã chọn 11 hộ nghèo, có khả năng phát triển chăn nuôi để trao vật nuôi phát triển kinh tế. Chương trình này được anh Trương Ngọc Nguyên (một mạnh thường quân trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột) hỗ trợ. Theo đó, mỗi hộ được nhận loại vật nuôi phù hợp với từng hoàn cảnh gia đình như bò, dê, heo, gà (tương ứng 3 triệu đồng/hộ). Một trong những hộ vừa được hỗ trợ là gia đình bà Nguyễn Thị Sáu (sinh năm 1950, thôn Đray Sáp). Vốn là hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại địa phương nhiều năm nay, hai vợ chồng bà Sáu sống cùng một người con đã lớn tuổi nhưng bị bệnh không làm gì được. Nhà ba miệng ăn chỉ trông chờ vào một ít diện tích đất vườn nên cuộc sống rất khó khăn, nay được Đoàn xã và mạnh thường quân quan tâm, hỗ trợ 25 con gà mái đẻ, giúp bà có thêm thu nhập trang trải sinh hoạt.

Bà Nguyễn Thị Sáu (thôn Dray Sáp) được hỗ trợ gà để chăn nuôi.
Bà Nguyễn Thị Sáu (thôn Dray Sáp) được hỗ trợ gà để chăn nuôi.

Tương tự, vợ chồng ông Nguyễn Như Bàng (sinh năm 1949, thôn Đoàn Kết) tuổi đã cao lại phải nuôi hai người con bị bệnh tâm thần. Không đất sản xuất, bao năm qua số tiền ít ỏi vợ chồng ông Bàng kiếm được đều dồn hết để chăm lo, chạy chữa cho con, nên gia đình luôn sống trong cảnh thiếu trước hụt sau. Vì vậy, đoàn viên, thanh niên địa phương quyết định trồng một giàn bầu hơn 40 m2 và mạnh thường quân trao tặng một con bê giúp ông bà Bàng vơi bớt khó khăn.

Tuyết Mai - Thùy Dung

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.