Multimedia Đọc Báo in

Phát triển thương hiệu xuất khẩu để cà phê Đắk Lắk vươn xa

09:50, 26/03/2019

Đến nay, cà phê của tỉnh đã xuất đi hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, thu về hàng trăm triệu USD mỗi năm. Tuy nhiên, để giá trị hạt cà phê được nâng cao trên thương trường quốc tế đầy cạnh tranh khốc liệt thì doanh nghiệp (DN) cần đặc biệt chú trọng phát triển thương hiệu sản phẩm.

Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) Vũ Bá Phú, cà phê Việt Nam nói chung và cà phê Đắk Lắk nói riêng vẫn chưa tạo ra được giá trị gia tăng tương xứng, trong đó có yếu tố do chưa phát triển thương hiệu cà phê xuất khẩu. Thực tế nhiều năm qua, Cà phê Buôn Ma Thuột đã khẳng định chất lượng, có sản lượng cao nhưng trên thương trường quốc tế vẫn chưa được nhiều người dùng biết đến.

Hơn 20 năm trong nghề xuất khẩu cà phê, ông Nguyễn Xuân Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sài Gòn - An Thái nhìn nhận, chất lượng Cà phê Buôn Ma Thuột tự tin sẽ đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của những thị trường khó tính và trong tương lai sẽ còn đi xa hơn nữa. Do đó, vấn đề đặt ra cho DN là tập trung nghiên cứu thị trường, phát triển thương hiệu phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. Với lợi thế về nguồn nguyên liệu sẵn có, DN đã chú trọng đầu tư công nghệ, đa dạng sản phẩm để mang lại hiệu quả cao hơn nữa đối với sản phẩm cà phê chế biến sâu xuất khẩu của An Thái.

Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng, sản phẩm chưa phát triển thương hiệu thì khó có thể đi xa được. Chính vì vậy, DN đặt ra mục tiêu đưa hệ thống phân phối vượt qua con số hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ như hiện có để sang những thị trường mới, đông dân như Ấn Độ và tiếp tục tiến sâu vào những thị trường khó tính, ở phân khúc cao cấp như Nhật Bản, Hoa Kỳ... Để làm được điều đó, trong năm nay, DN sẽ thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp đầu tư dây chuyền công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, đặc biệt là đẩy mạnh phát triển thương hiệu để tiếp cận các thị trường. Tuy nhiên, việc làm này không chỉ trong “ngày một ngày hai” và bản thân DN cũng rất cần sự hỗ trợ của từ phía nhà quản lý.

Người tiêu dùng tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm cà phê bột tại Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019.
Người tiêu dùng tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm cà phê bột tại Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019.

Tương tự, ông Phạm Văn Quang,  Giám đốc Công ty G20 coffee G20 Việt Nam (trụ sở số 57 Lý Thái Tổ, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, năm 2010, đơn vị nhận gia công cà phê bột cho đối tác nước ngoài với sản lượng bình quân đạt 10 tấn/năm, và bắt đầu từ năm 2015, sản phẩm mang thương hiệu G20 chính thức ra mắt thị trường thì giá trị thu về đã nâng lên thấy rõ. Hiện sản phẩm G20 đã xuất đi 6 nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Canađa, Hoa Kỳ và Trung Quốc và có nhà phân phối độc quyền tại Hàn Quốc. Với năng lực sản xuất hiện tại đạt 120 tấn/năm, đơn vị đang tiếp tục xây dựng chiến lược để nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm cà phê bột mang thương hiệu G20 ra thị trường quốc tế. Đồng thời, DN cũng đang liên kết với các nông hộ để sản xuất cà phê đặc sản, có chất lượng hảo hạng nhằm gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Về vấn đề này, thời gian qua, UBND tỉnh cũng đã tập trung nhiều nguồn lực phát triển cà phê theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm để khai thác và phát triển ngành cà phê ở địa phương. Cụ thể như đổi mới tổ chức sản xuất, đẩy mạnh liên kết trong cùng ngành hàng, ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ cao vào các khâu sản xuất, chế biến, kinh doanh; đẩy mạnh các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu... Tỉnh cũng tạo điều kiện cho các DN sản xuất, kinh doanh cà phê trên địa bàn tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước để quảng bá sản phẩm cà phê, nhất là sản phẩm có chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột. Đồng thời, tăng cường giao thương với các nhà rang xay trong nước nhằm nâng cao hệ thống nhận diện, quảng bá thương hiệu...

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã ký kết với Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị Chương trình hợp tác và Biên bản ghi nhớ về xây dựng, phát triển thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột và trái bơ Đắk Lắk. Đây là một trong những điểm nhấn tại hội nghị và là tiền đề quan trọng để nâng cao giá trị cho cà phê Việt Nam nói chung và Cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng. Theo đó, ngành Công thương cam kết hỗ trợ tỉnh trong việc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, nhất là mặt hàng cà phê; đồng thời kết nối, mời các nhà đầu tư trong và ngoài nước để tăng cường giao lưu, xúc tiến thương mại, bàn bạc những giải pháp hỗ trợ cho ngành cà phê, quảng bá thương hiệu…

Khách tham quan tìm hiểu về sản phẩm cà phê của các Hợp tác xã  tại Hội chợ  - Triển lãm chuyên ngành cà phê  lần thứ 7 năm 2019.
Khách tham quan tìm hiểu về sản phẩm cà phê của các Hợp tác xã tại Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê lần thứ 7 năm 2019.

Đặc biệt, thời gian tới, Bộ Công thương sẽ phối hợp với tỉnh Đắk Lắk chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê, tạo ra cà phê đặc sản; mời chuyên gia trong nước và quốc tế cùng xây dựng thương hiệu cho cà phê đặc sản; hình thành sản phẩm có giá trị gia tăng, chất lượng cao để xuất khẩu bằng thương hiệu Việt…

Theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) Vũ Bá Phú, thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Công thương và tỉnh Đắk Lắk tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vừa qua là một trong những nỗ lực của Bộ nhằm hỗ trợ địa phương đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu cà phê. Cục Xúc tiến thương mại cũng đã mời các nhà bán lẻ có tầm cỡ nước ngoài tham gia vào hoạt động hỗ trợ DN của tỉnh quảng bá, phát triển bán hàng toàn cầu, xây dựng hình ảnh trên các kênh thương mại điện tử...

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.