Multimedia Đọc Báo in

Xã Ea Yông (huyện Krông Pắc): Đồng thuận để cán đích nông thôn mới

13:53, 27/03/2019

Sau 8 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Ea Yông (huyện Krông Pắc) đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và vừa được công nhận xã đạt Chuẩn NTM.

Ea Yông là một xã thuần nông, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 50%, năm 2011, tỷ trọng sản xuất nông nghiệp chiếm 85%, tỷ lệ hộ nghèo là 17,6%, thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng/năm, cơ sở hạ tầng còn thiếu đồng bộ, đời sống người dân còn nhiều khó khăn…

Sân bóng chuyền  tại buôn Jung  được người dân  và đoàn viên  thanh niên xã  đóng góp ngày công xây  dựng.
Sân bóng chuyền tại buôn Jung được người dân và đoàn viên thanh niên xã đóng góp ngày công xây dựng.

Đảng bộ, chính quyền xã xác định rõ phát triển sản xuất nông nghiệp là điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề dịch vụ khác và nâng cao thu nhập cho người dân, từng bước giảm nghèo hiệu quả làm cơ sở vững chắc cho xây dựng NTM. Từ đó, xã tập trung tăng cường công tác khuyến nông, tổ chức các lớp tập huấn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, hỗ trợ nông dân cải tạo vườn tạp, thực hiện mô hình trồng xen cây ăn trái có giá trị trong vườn cà phê già cỗi, đặc biệt là cây sầu riêng Dona. Đến nay, toàn xã có diện tích trồng xen sầu riêng khoảng 900 ha, năng suất bình quân đạt từ 18 - 20 tấn quả/ha. Với giá bán hiện khoảng 55 – 60 nghìn đồng/kg, người trồng sầu riêng thu về gần 1 tỷ đồng/ha/năm. Đơn cử, gia đình anh Y Siên Ayun (buôn Jung 2) trồng xen 80 cây sầu riêng Dona trong 1,4 ha cà phê, thu được hơn 1 tỷ đồng/năm; hay gia đình anh Y Mdoi Niê (buôn Jung) có 77 cây sầu riêng, thu hơn 800 triệu đồng/năm; gia đình bà Nguyễn Thị Sơn (thôn Phước Thành) với 100 cây sầu riêng, thu 2 tỷ đồng/năm…

Bên cạnh đó, người dân còn trồng xen một số cây ăn trái có giá trị như: bơ booth, mít… Đây là mô hình trồng xen canh bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đang được người dân áp dụng rộng rãi. Nhờ đó, kinh tế địa phương ngày càng phát triển. Nếu năm 2011, giá trị sản xuất nông nghiệp của xã đạt 251 tỷ đồng thì đến năm 2018 đã đạt 831 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,85%, thu nhập bình quân đầu người đạt mức 41,8 triệu đồng/năm, các tiêu chí về nhà ở, trường học, y tế, giáo dục, điện sinh hoạt… đều được đầu tư, nâng cao chất lượng phục vụ; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện.

Bà Nguyễn Thị Sơn (thôn Phước Thành) chăm sóc vườn sầu riêng của gia đình.
Bà Nguyễn Thị Sơn (thôn Phước Thành) chăm sóc vườn sầu riêng của gia đình.

Trong 19 tiêu chí, tiêu chí về giao thông được xem là tiêu chí khó nhưng xã đã đạt được nhờ sự đồng thuận chung tay đóng góp của người dân. Đơn cử như người dân thôn Tân Lập đã đóng góp hơn 1 tỷ đồng, tự nguyện giải tỏa hàng rào, vườn cây và đứng ra giám sát thi công, nâng tiêu chuẩn đường từ cấp độ D lên cấp độ C, mở rộng nâng cấp các tuyến đường trong thôn. Đi đầu trong phong trào này là gia đình anh Trần Thanh Đoàn đóng góp 44 triệu đồng, gia đình anh Hồ Hữu Hải đóng góp 45 triệu đồng… Đến nay, 70% đường liên xã và hơn 50% đường ngõ xóm đã được bê tông hóa, nhựa hóa đảm bảo cho việc đi lại, lao động sản xuất của người dân.

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước và huy động nguồn lực trong dân, 8 năm qua địa phương đã huy động tổng kinh phí là 275 tỷ đồng để xây dựng NTM, trong đó, nhân dân đóng góp 201 tỷ đồng, hàng ngàn ngày công và các tài sản khác, chiếm đến 73,27% tổng số vốn.

Phương Thảo – Duyên Mai


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.