Multimedia Đọc Báo in

Cập nhật cho kịch bản kinh tế 2019

09:00, 08/04/2019

Ngay sau khi Tổng cục Thống kê công bố các chỉ số kinh tế vĩ mô quý I-2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gấp rút bắt tay vào cập nhật kịch bản kinh tế 2019. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 09/CT-TTg, ngày 1-4-2019 về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và cả năm 2019.

Từ kết quả tăng trưởng quý I-2019

Theo công bố mới đây của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tăng trưởng GDP quý I-2019 đạt mức 6,79%. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%, đóng góp 4,9% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,63%, đóng góp 51,2%; khu vực dịch vụ tăng 6,5%, đóng góp 43,9%. Con số tăng trưởng này cao hơn quý I giai đoạn 2009 - 2017, nhưng thấp hơn cùng kỳ năm 2018 (tăng 7,45%). Có nhiều yếu tố khiến bức tranh tăng trưởng kinh tế 3 tháng đầu năm nay không tạo nên sự đột biến như cùng thời điểm năm 2018. Trong đó, không thể không đề cập đến sự chậm lại của khu vực nông, lâm, ngư nghiệp trước diễn biến dịch bệnh phức tạp của ngành chăn nuôi. Với một nền kinh tế có độ mở lớn, sự suy giảm thương mại toàn cầu với bất đồng giữa các nền kinh tế lớn cũng ảnh hưởng tới kim ngạch xuất khẩu những mặt hàng chủ lực của Việt Nam.

Lò luyện thép của Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á (khu công nghiệp Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột).  Ảnh: Đ.Lan
Lò luyện thép của Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á (khu công nghiệp Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Đ.Lan
 

Tinh thần là kiên định thực hiện nhiệm vụ đã đề ra, hoàn thành tất cả các chỉ tiêu, trong đó tăng trưởng GDP đạt 6,8%, lạm phát dưới 4%”.

 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Ngay sau khi Tổng cục Thống kê công bố các chỉ số kinh tế vĩ mô quý I-2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gấp rút bắt tay vào cập nhật kịch bản kinh tế 2019 để trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3 vừa qua. Theo đó, nhìn vào các kịch bản tăng trưởng kinh tế đã được xây dựng và mới được cập nhật, có thể thấy: Ở kịch bản được báo cáo Chính phủ tại cuộc họp cách đây hơn hai tuần, nếu tăng trưởng GDP quý I-2019 chỉ đạt 6,58%, thì để cả năm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8%, quý II phải đạt tốc độ tăng trưởng 6,77%; quý III là 7,13% và quý IV là 6,7%. Nhưng khi tăng trưởng GDP quý I là 6,79%, thì để cả năm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8%, quý II chỉ cần đạt tốc độ tăng trưởng 6,7%; quý III là 7% và quý IV là 6,6%.

7 giải pháp, 6 động lực cho mục tiêu tăng trưởng 6,8%

Còn nhớ ngay sau cuộc làm việc với các Phó Thủ tướng và một số bộ, ngành, cơ quan liên quan để bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng của năm “bứt phá” 2019 được tổ chức ngày 18-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định rằng: “Sản phẩm từ cuộc làm việc sẽ là một Chỉ thị của Thủ tướng”. Và sản phẩm đó là chính là Chỉ thị số 09/CT-TTg, ngày 1-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và cả năm 2019. Theo đó, Chỉ thị đã xác định có 7 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, gồm: Đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế; Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ nút thắt hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển; Quyết liệt thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, ổn định sản xuất; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản phục vụ xuất khẩu, bảo đảm hoàn thành kế hoạch xuất khẩu đề ra; Tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án công nghiệp quy mô lớn, bảo đảm giải ngân 100% nguồn vốn đầu tư công trong năm 2019; Thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển bứt phá thị trường trong nước, đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu; Phát triển mạnh mẽ du lịch, góp phần lan tỏa tới nhiều ngành sản xuất, dịch vụ thị trường phát triển; Tổ chức các Hội nghị quốc gia tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 3 ngày 2-4 mới đây, người đứng đầu Chính phủ tiếp tục nhấn mạnh lại, đồng thời cụ thể hóa từ những nhiệm vụ, giải pháp đã xác định trong Chỉ thị thành 6 động lực cho phát triển kinh tế trong thời gian tới. Cụ thể: Một là, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu nông lâm thủy sản; hai là,tăng cường tận dụng cơ hội từ CPTPP và đa dạng hóa các thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, giảm nhập siêu; ba là, thúc đẩy công nghiệp chế biến, chế tạo, theo dõi, bám sát hoạt động của các doanh nghiệp, các dự án lớn để tháo gỡ vướng mắc kịp thời hơn; bốn là, đẩy mạnh phát triển dịch vụ, nhất là lĩnh vực logistics, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, ngành du lịch phấn đấu đạt chỉ tiêu lượng khách quốc tế đã đề ra; năm là, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm, thực hiện chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt, bảo đảm đủ vốn sản xuất kinh doanh, tập trung cho lĩnh vực ưu tiên, nghiên cứu tiếp tục giảm lãi suất; sáu là, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, đây là giải pháp quan trọng nhất.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.