Multimedia Đọc Báo in

Người dân lo lắng vì giá sachi xuống thấp

09:58, 01/04/2019

Từ cuối năm 2018 đến nay, giá hạt sachi liên tục giảm mạnh cùng với đó sản phẩm chưa có đầu ra ổn định khiến cho người trồng đối mặt với nhiều khó khăn.

Giữa năm 2017, gia đình chị Phạm Thị Loan (xã Cư Huê, huyện Ea Kar) đã chuyển đổi 3 sào đất tiêu chết để trồng cây sachi. Lứa đầu tiên, chị Loan thu được 3 tạ quả khô, với giá bán 70-90.000 đồng/kg quả khô, sau khi trừ chi phí, chị thu lãi gần 20 triệu đồng. Thấy cây sachi phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác, đầu năm 2018, gia đình chị tiếp tục chuyển 1 ha đất cà phê già cỗi sang trồng sachi. Vụ thu hoạch năm nay, vườn sachi của gia đình chị ước đạt sản lượng hơn 1 tấn quả khô. Thế nhưng, từ cuối năm 2018, giá sachi bất ngờ giảm mạnh từ 160-180.000 đồng/kg hạt xuống còn 20-25.000 đồng/kg hạt khiến gia đình chị đứng trước nguy cơ thua lỗ.

Theo chị Loan, trước đây mỗi lần thu hoạch đều có thương lái vào tận nơi thu mua quả khô nên rất thuận tiện nhưng từ lúc giá sachi xuống thấp thì không còn ai đến hỏi mua nữa. Để bán được sản phẩm, sau mỗi đợt thu hái, chị đều phải chở sachi sang tận huyện Krông Năng để nhờ xay xát và bán lại cho đại lý thu mua tại đây. Chị Loan cho biết: "Đầu vụ, tôi còn bán được khoảng 2 tạ sachi với giá từ 30-45.000 đồng/kg hạt, đến giờ chỉ còn 20.000 đồng/kg hạt. Vì giá quá thấp nên số  sachi còn lại, gia đình tôi đóng bao chờ giá lên mới bán”. Được biết, không chỉ riêng gia đình chị Loan, mà hầu hết các hộ dân trồng sachi trên địa bàn xã Cư Huê cũng chọn cách “trữ hàng” với hy vọng giá sachi sẽ tăng trở lại trong thời gian tới.

Người dân xã Cư Huê (huyện Ea Kar) thu hoạch sachi.
Người dân xã Cư Huê (huyện Ea Kar) thu hoạch sachi.

Thấy một số hộ dân trên địa bàn trồng thành công cây sachi trên diện tích tiêu chết và thu lợi nhuận cao, tháng 3-2018, gia đình ông Nông Văn Thiếp (xã Ea Tam, huyện Krông Năng) cũng đã tận dụng những trụ tiêu chết trong vườn để trồng 200 gốc sachi với hy vọng tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Sau gần 8 tháng trồng và chăm sóc, vườn sachi bắt đầu cho thu hoạch nhưng cũng là lúc giá hạt sachi giảm mạnh từ 180.000 đồng/kg hạt xuống 20.000 đồng khiến ông Thiếp "vỡ mộng". Ông Thiếp cho biết: “Mặc dù vườn sachi của gia đình cây phát triển tốt nhưng ít quả, giá cả lại thấp nên chẳng bõ công thu hái. Giờ chúng tôi chỉ biết trông chờ vào chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định để sớm giúp người trồng sachi gỡ khó.”

Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 200 ha sachi được trồng tập trung tại các huyện Krông Búk, Krông Pắc, Krông Năng, Ea Kar, thị xã Buôn Hồ… Tất cả diện tích này đều do người dân trồng tự phát và chưa có đầu ra ổn định.

Việc giá sachi liên tục giảm khiến người trồng và các điểm thu mua đều gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Anh Lương Văn Đạo, chủ một đại lý mua hạt sachi tại xã Ea Tam, huyện Krông Năng cho biết: “Từ khi giá sachi xuống thấp đến nay, tôi không dám thu mua hạt sachi số lượng nhiều như trước mà chỉ mua cầm chừng bởi đầu ra phụ thuộc hoàn toàn vào sức mua của thương lái tự do”.

Ông Nông Văn Thiếp (xã Ea Tam, huyện Krông Năng) bên vườn sachi của gia đình.
Ông Nông Văn Thiếp (xã Ea Tam, huyện Krông Năng) bên vườn sachi của gia đình.

Theo tìm hiểu, cây sachi được người dân trên địa bàn tỉnh trồng phổ biến từ năm 2017. Bước đầu cho thấy, cây sachi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng Tây Nguyên, tuy nhiên giá cả luôn biến động, đầu ra của sản phẩm đều phụ thuộc vào thương lái. Vào năm 2017 đến đầu 2018, hạt sachi có giá bán dao động từ 170.000 – 180.000 đồng/kg hạt, thậm chí có thời điểm lên đến 250.000 đồng/kg hạt. Tuy nhiên, từ cuối năm 2018 đến nay, giá sachi giảm xuống thấp chỉ còn khoảng 20.000 – 25.000 đồng/kg hạt đã gây thiệt hại về kinh tế cho người trồng.

Bà Vũ Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết:  "Hiện sản phẩm từ cây sachi chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, quy trình chế biến, sản xuất cũng chưa hình thành. Vì vậy, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích ồ ạt mà chỉ nên trồng khảo nghiệm ở quy mô nhỏ, tránh thiệt hại cho người trồng khi cung vượt quá cầu".

Thiết nghĩ, chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người trồng sachi; đồng thời cần có định hướng phát triển cây sachi để đem lại hiệu quả kinh tế lâu dài cho người dân.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.