Multimedia Đọc Báo in

Những điển hình nông dân làm kinh tế giỏi

09:02, 24/04/2019

Nhạy bén, chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều nông dân trong tỉnh đã vươn lên làm giàu nhờ dám nghĩ, dám làm...

Năm 2011, chị Nguyễn Thị Thái Hà ở tổ dân phố 8, thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar) mạnh dạn phá bỏ toàn bộ 1 ha cà phê để đưa vào trồng 700 cây bưởi da xanh giống từ tỉnh Bến Tre. Nhờ chăm sóc tốt, chỉ sau 2 năm, vườn cây bắt đầu cho thu hoạch rộ. Cây bưởi phát triển tốt, trái to đều, vỏ xanh, ruột hồng mọng nước, ít hạt, vị ngọt không thua kém bưởi trồng ở các tỉnh miền Tây.

Vụ bưởi năm 2014, chị Hà nhận được nhiều đơn đặt hàng, trong đó có một số công ty ở TP. Hồ Chí Minh tìm đến tận vườn để ký hợp đồng thu mua hằng năm. Chị Hà cho biết, bưởi trồng trên vùng đất Cư M’gar khá phù hợp, ít sâu bệnh, năng suất cao. Cây bưởi ra trái hai năm 3 vụ, trung bình mỗi cây cho 100 quả, mỗi quả nặng từ 1,5 - 3 kg, giá bán tại vườn 40 nghìn đồng/kg, có thời điểm lên đến 70 nghìn đồng/kg mà vẫn “cháy hàng”.

Ông Hoàng Văn Đoàn ở thôn Kty 4 (xã Cư Kbô, huyện Krông Búk) đang chế biến cà phê dạng ướt  theo tiêu chuẩn FLO-CERT.
Ông Hoàng Văn Đoàn ở thôn Kty 4 (xã Cư Kbô, huyện Krông Búk) đang chế biến cà phê dạng ướt theo tiêu chuẩn FLO-CERT.

Ngoài trồng bưởi, chị Hà còn đầu tư cửa hàng kinh doanh phân bón. Lợi nhuận thu được hằng năm chị đầu tư mua thêm rẫy. Hiện gia đình chị có 20 ha đất, trồng đủ các loại cây ăn trái như: bưởi, cam, na, tiêu, sầu riêng, bơ, mít… Để tiết kiệm nhân công và chi phí, chị đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tự động cho cây trồng, vừa có thể tưới nước, bón phân, hoặc phun thuốc bảo vệ thực vật cho toàn bộ cây trồng mà chỉ cần từ 1- 2 nhân công/ngày. Với mô hình sản xuất kết hợp kinh doanh, mỗi năm gia đình chị Hà thu nhập từ 4-5 tỷ đồng.

 
“Năm 2018, toàn tỉnh có 89.959 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp (trong đó có trên 20% số hộ là đồng bào dân tộc thiểu số). Các cấp hội cũng đã vận động hội viên đóng góp gần 5 tỷ đồng, 41.000 m2 đất, gần 20.000 ngày công lao động để làm mới và tu sửa trên 166 km đường giao thông nông thôn, nạo vét 54 km kênh mương nội đồng…”.
 
Ông Y Djui Niê, Phó trưởng Ban Kinh tế - Xã hội, Hội Nông dân tỉnh

Gia đình anh Hoàng Văn Đoàn ở thôn Kty 4 (xã Cư Kbô, huyện Krông Búk) có 2 ha cà phê, trước đây chỉ sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống nên năng suất thấp, lại bị tư thương mua ép giá nên kinh tế gia đình rất khó khăn.

Năm 2013, sau khi tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, anh Đoàn đã vay 20 triệu đồng từ quỹ tiết kiệm của Hội Nông dân xã để đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt trong rẫy.

Năm 2014, khi Công ty TNHH Đắk Man (địa chỉ phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột) ký kết hợp đồng với Hợp tác xã Dịch vụ - Nông nghiệp Cư Kbô để sản xuất, tiêu thụ cà phê sạch bền vững đạt chứng nhận Thương mại Công Bằng (FLO-CERT), anh Đoàn đã đăng ký và được xét đủ điều kiện tham gia.

Để sản xuất cà phê sạch bền vững, gia đình anh Đoàn phải tuân thủ các nguyên tắc như: Trồng cây che mát cho cà phê; hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất; thu hoạch cà phê quả chín… Từ khi tham gia sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn FLO-CERT, năng suất cây trồng của gia đình anh Đoàn luôn ổn định từ 3,5 - 4 tấn nhân/ha/năm. Không những vậy, cà phê của anh còn được đơn vị thu mua hỗ trợ giá cao hơn thị trường từ 9.000 - 10.000 đồng/kg. Nhờ đó, thu nhập bình quân mỗi năm của gia đình anh khoảng trên 200 triệu đồng, tăng hơn 40% so với trước.

Cán bộ Hội Nông dân huyện Cư M'gar tham quan mô hình trồng bưởi da xanh của gia đình chị Nguyễn Thị Thái Hà ở thị trấn Quảng Phú.
Cán bộ Hội Nông dân huyện Cư M'gar tham quan mô hình trồng bưởi da xanh của gia đình chị Nguyễn Thị Thái Hà ở thị trấn Quảng Phú.

Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều mô hình điểm nông dân làm kinh tế giỏi trên địa bàn tỉnh. Theo ông Y Djui Niê, Phó trưởng Ban Kinh tế - Xã hội (Hội Nông dân tỉnh), với những nỗ lực của các cấp hội và hội viên, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã góp phần tạo nên các vùng sản xuất chuyên canh với quy mô lớn, hợp tác, liên kết sản xuất giữa nông dân với các tổ chức của nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Các mô hình đã phát huy được thế mạnh của địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, ngành nghề, kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa; nâng cao chất lượng và hiệu quả. Ngày càng có nhiều sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh trên thị trường, điển hình như: Mô hình liên kết sản xuất cà phê bền vững; cánh đồng mẫu lớn; trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê; nuôi cá nước ngọt; chăn nuôi bò vỗ béo... ở các huyện Cư M’gar, Krông Năng, Ea H’leo, Ea Kar, TP. Buôn Ma Thuột...

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.