Multimedia Đọc Báo in

Triển vọng từ mô hình cải tạo đàn dê ở huyện Cư M'gar

11:31, 15/04/2019

Đầu năm 2018, mô hình “Cải tạo đàn dê bằng phương pháp cho lai giống dê Boer” được Trạm Khuyến nông huyện Cư M’gar triển khai tại các thôn 2A (xã Ea M’nang), thôn Thạch Sơn (xã Ea M’droh) và buôn Ea Sang B (xã Ea H’đing), có 18 hộ tham gia, với 90 con dê cái địa phương. Qua một năm triển khai, số dê trên sinh trưởng tốt. 

Boer là giống dê siêu thịt, có nguồn gốc từ Nam Phi, được phát triển mạnh thành những trang trại lớn ở Hoa Kỳ, các nước châu Á, châu Mỹ. Mô hình được thực hiện bằng hình thức cho dê đực lai Beor giao phối trực tiếp với dê cái địa phương để cho ra con lai có trọng lượng lớn hơn, năng suất thịt nhiều hơn, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Ngoài được hỗ trợ về giống, tham gia mô hình các hộ dân còn được hỗ trợ về thức ăn hỗn hợp cho dê trong 2 tháng đầu, thuốc thú y và kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng chống một số bệnh thường gặp và bảo quản dê đực giống.

Ông Trần Tề (bên phải) giới thiệu cho khách tham quan về dê lai Boer.
Ông Trần Tề (bên phải) giới thiệu cho khách tham quan về dê lai Boer.

Gia đình ông Trần Tề ở thôn 2A (xã Ea Mnang) là một trong những hộ tham gia mô hình. Sau gần một năm, ông Tề đã có một con dê lai Boer, với đặc điểm ngoại hình lớn hơn rất nhiều giống dê cỏ ở địa phương và một con dê khác cũng đang chuẩn bị ra đời. Ông Tề lạc quan: “Không chỉ có ngoại hình to hơn, giống dê Boer cũng lớn rất nhanh. Dù đến nay chỉ mới hơn 40 ngày tuổi nhưng con dê Boer của gia đình đã đạt trọng lượng gần 10 kg, cao hơn rất nhiều so với giống dê địa phương. Khi trưởng thành con dê này chắc sẽ không thua gì con dê đực Boer mà gia đình được cho phối giống, với trọng lượng khoảng trên 50 kg, trong khi đó giống dê khác chỉ đạt từ 25 – 30 kg/con”.

Tương tự, ông Bùi Văn Công ở thôn 2A (xã Ea Mnang) đã cho 2 dê cái giống Bách Thảo của gia đình lai tạo với dê đực giống Boer. Đến nay, gia đình ông đã có 4 con dê lai Boer. Ông Công nhận xét: “Dù chỉ mới khoảng 2 tháng tuổi nhưng mỗi con dê lai Boer của gia đình đã đạt trọng lượng hơn 10 kg. Tôi thấy đây là giống vật nuôi có nhiều ưu điểm, cần nhân rộng để bà con phát triển kinh tế”.

Ông Bùi Văn Công cho dê ăn.
Ông Bùi Văn Công cho dê ăn.

Sau một năm triển khai mô hình ở địa phương, nhiều con dê lai Boer đã được sinh ra. Các con dê lai Boer đều sinh trưởng và thích ứng tốt với điều kiện khí hậu của địa phương… Đánh giá về mô hình, ông Trương Bảy, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Cư M’gar cho biết: “Phần lớn giống dê địa phương hiện nay là dê cỏ, tầm vóc nhỏ, trọng lượng đạt thấp (chỉ khoảng 20 – 30 kg/con). Các hộ dân tham gia mô hình sẽ được giữ dê lai Boer trong thời gian một tháng để phối giống, sau đó sẽ chuyển cho hộ khác. Đến nay, qua một năm thực hiện mô hình, theo dõi từ các hộ tham gia và báo cáo cán bộ khuyến nông cơ sở cho thấy, tại mỗi xã triển khai đã có 10 - 15 con dê cái sinh sản”.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.