Multimedia Đọc Báo in

Ứng dụng thụ tinh nhân tạo trong chăn nuôi: Giải pháp nâng cao chất lượng đàn gia súc

10:08, 25/04/2019

Đắk Lắk là tỉnh phát triển về chăn nuôi khá mạnh, với tổng đàn gia súc trên 1,1 triệu con, gia cầm trên 11 triệu con; sản lượng thịt hơi đạt gần 200.000 tấn, sản lượng trứng các loại trên 240 triệu quả.

Để nâng cao giá trị chăn nuôi, tỉnh đã tập trung cải tạo chất lượng đàn vật nuôi bằng việc ứng dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến. Một trong những chương trình mang lại hiệu quả thiết thực là Chương trình thụ tinh nhân tạo (TTNT) trên đàn bò được thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh.

Với mục tiêu đẩy nhanh tỷ lệ đàn bò lai hướng thịt có năng suất chất lượng cao, tạo tiền đề chăn nuôi bò theo hướng sản xuất hàng hóa và hướng tới phục vụ xuất khẩu, trong 2018, từ 4.833 con bò cái nền được TTNT đã sinh ra 4.786 con bê lai. Số bê lai mới sinh trọng lượng từ 23 - 24 kg (cao hơn bê địa phương khoảng 10  - 11 kg), có ngoại hình đẹp, sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ nuôi sống cao trên 95%. Cùng tháng tuổi như nhau nhưng giá trị một con bê lai cao hơn bê nội khoảng 1,5 lần; khi đến tuổi bán thịt (24 tháng tuổi) thì trọng lượng bò lai từ 400 kg - 500 kg (tùy thuộc vào giống đực), tăng hơn bò thịt địa phương từ 120 kg - 150 kg/con.

Bò lai giống BBB được 30 tháng tuổi của một hộ dân trên địa bàn huyện Ea Kar.
Bò lai giống BBB được 30 tháng tuổi của một hộ dân trên địa bàn huyện Ea Kar.

Thực tế cho thấy, Chương trình đã mang lại nhiều thay đổi cho các vùng tham gia. Điển hình là huyện Ea Kar, với khoảng 200 con bò được TTNT bằng các giống bò đực nhập khẩu, tỷ lệ mang thai đạt 75%.

Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Nguyễn Văn Kiên cho biết, ngoài hiệu quả về kinh tế như giá trị bò lai cao hơn so với bò địa phương, không phải tốn chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc cho bò đực giống, thì việc áp dụng phương pháp nhân giống bằng kỹ thuật TTNT sẽ làm tăng nhanh số lượng đàn bò, cải thiện khả năng di truyền, cho phép sử dụng rộng rãi những đực giống có năng suất cao, có giá trị trên phạm vi rộng. Đó là chưa kể đến, chi phí công nghệ thụ tinh nhân tạo rẻ hơn nhiều so với sử dụng bò đực giống nhảy trực tiếp và áp dụng đến tận các địa bàn kể cả vùng sâu vùng xa.

Thấy được hiệu quả của việc TTNT bằng những giống bò ngoại lai chất lượng cao, nhiều câu lạc bộ vỗ béo bò thịt đang có xu hướng phát triển một số điểm vỗ béo bò siêu thịt chất lượng cao.

Đàn bê lai thông qua phương pháp thụ tinh nhân tạo của một hộ dân trên địa bàn huyện Ea Kar.
Đàn bê lai thông qua phương pháp thụ tinh nhân tạo của một hộ dân trên địa bàn huyện Ea Kar.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, từ hiệu quả bước đầu, mô hình lan tỏa, nhân rộng thêm hàng trăm hộ ứng dụng kỹ thuật TTNT. Đặc biệt là có khá nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số chăn nuôi bò cũng đã TTNT cho đàn bò. Qua đó, Chương trình không những giúp bà con tăng thêm thu nhập, giải quyết việc làm mà còn giúp họ thay đổi tập quán chăn nuôi từ thả rông sang chăn nuôi tập trung, có quản lý và kiểm soát được các yếu tố lây lan mầm bệnh; biết cách bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của người chăn nuôi.

Ngoài Chương trình TTNT trên đàn bò, Trung tâm còn thực hiện Chương trình hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ, trong đó đã phối giống nhân tạo được gần 15.000 liều tinh heo bằng các giống ngoại nhập, chất lượng cao. Trung tâm cũng đưa vào thử nghiệm 50 liều tinh trâu tại các huyện M’Đrắk, Ea Kar, Krông Bông, Ea Súp và TP. Buôn Ma Thuột. Kết quả là có 12 nghé lai Mura ra đời, với ngoại hình đẹp, khỏe mạnh, nhanh lớn. Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với Trạm Khuyến nông huyện và hệ thống khuyến nông cơ sở, UBND các xã tiếp tục quan tâm, theo dõi, chỉ đạo để triển khai thực hiện hoàn thành các chương trình này theo đúng kế hoạch đã đề ra.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, trong năm 2019, tiếp tục triển khai Chương trình TTNT cho đàn bò và sẽ có 5.000 con bò được TTNT bằng các giống bò cao sản. Đồng thời tiếp tục công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong việc cải tạo chất lượng đàn vật nuôi bằng các kỹ thuật tiên tiến.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.