Multimedia Đọc Báo in

Về buôn căn cứ H'Ngô A

09:23, 20/04/2019
Đến buôn căn cứ H’Ngô A, xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) trong những ngày tháng Tư lịch sử, gặp lại các cụ bà người M’nông từng là những “cô dân quân” kiên cường bám buôn, không kể vất vả, gian nguy ngày đêm sản xuất, tích trữ lương thực để nuôi bộ đội, càng thấu hiểu được công lao của họ trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà...
 
Bà H’Hôm Byă năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng ký ức về những ngày bám buôn bám rẫy, xây dựng Khu căn cứ cách mạng H9 (huyện Krông Bông) vẫn còn nguyên vẹn trong trí nhớ. Lục lại tấm Huân chương và Bằng khen mà Đảng và Nhà nước đã tặng cho gia đình bà vì những đóng góp cho cách mạng, bà H’Hôm bùi ngùi kể: “Vào những năm 1965, buôn H’Ngô A chỉ có vài nếp nhà dài nằm rải rác bên bờ suối Êa Đrui của xã Hòa Phong bây giờ. Khi đó tôi mới 16 tuổi nhưng đã tham gia vào lực lượng dân quân. Trai tráng trong làng đi chiến đấu, chỉ còn người già và phụ nữ bám trụ lại buôn để tỉa lúa, trồng ngô nuôi quân đánh giặc”.
 
Cùng tham gia dân quân với bà H’Hôm, bà H’Phang Byă là người trực tiếp chuyển hàng, đạn dược và lương thực cho bộ đội ở Khu căn cứ cách mạng H9 và các chiến trường khác. “Còn nhớ những năm tháng gian khổ đó, người dân trong buôn đều ăn sắn, ăn ngô, lấy lá làm chăn để nhường những hạt gạo, những mảnh chăn, mảnh vải cho bộ đội. Người già, phụ nữ và trẻ em ngày ngày lên nương làm rẫy, tối đến vót chông để đưa vào chiến trường. Cũng từ đó mà tình quân dân ở vùng căn cứ ngày càng thắm đượm hơn”, bà H’Phang nhớ lại.
 
Diện mạo nông thôn buôn căn cứ H’Ngô A, xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) đang ngày càng khởi sắc.
Diện mạo nông thôn buôn căn cứ H’Ngô A, xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) đang ngày càng khởi sắc.
Là người từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là bảo vệ vùng căn cứ H9, già làng Y Văn Niê cho biết, tinh thần và ý chí của những người con ở buôn H’Ngô A trong kháng chiến là “tinh thần thép”. Không những đi đầu trong phong trào đánh du kích ngăn chặn những đợt càn quét, tấn công của địch mà đồng bào trong buôn còn tranh thủ chăm lo sản xuất.
 
Với khẩu hiệu “Tất cả vì kháng chiến”, năm 1971 thực hiện chủ trương xây dựng khu căn cứ miền núi về mặt kinh tế của Trung ương Cục miền Nam, đồng bào buôn H’Ngô A đã thành lập được 4 tổ vần đổi công với gần 100 hội viên. Dù bị địch kìm kẹp, phải sản xuất dưới những trận mưa bom và thuốc độc nhưng mỗi lao động trong buôn đã trồng được 3.000 bụi sắn, 100 m 2 đậu, 200 m 2 ngô, 200 m 2 lúa và đóng góp tiền, voi, ngựa… để phục vụ kháng chiến. "Chính trong khó khăn, gian khổ ấy, ý chí của những người con M’nông ở buôn H’Ngô A đã tỏa sáng như chính ý nghĩa của tên buôn H’Ngô là “cây thắp sáng”, già Y Văn Niê tự hào nói.
 
"Năm 1965, buôn H’Ngô A trở thành căn cứ địa cách mạng vững chắc và là chỗ dựa tin cậy của Đảng, các cơ quan hậu cần, Tỉnh đội, Tuyên huấn… Tháng 10-1971, nơi đây là địa điểm diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V, đây là cột mốc đánh dấu phong trào đấu tranh cách mạng lên tầm mức mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn mà chiến trường đặt ra" - Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phong Phan Xuân Phong.
 
 

Buôn H’Ngô A hiện có 204 hộ với 887 khẩu, trong đó có đến 28 gia đình có công cách mạng. Trải qua các thời kỳ “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh”, mặc dù bị địch càn quét, đánh phá, nhưng với truyền thống cách mạng kiên cường, bất khuất, quân và dân các dân tộc Đắk Lắk nói chung và buôn H’Ngô A nói riêng đã quyết tâm bám trụ, xây dựng khu căn cứ cách mạng, tổ chức đánh địch, mở rộng vùng giải phóng.

Từ căn cứ Krông Bông, lực lượng vũ trang đã tiến ra chiếm lĩnh các chiến trường trọng yếu, cô lập dần các khu quân sự, hành chính của Mỹ - ngụy trên địa bàn, tạo thuận lợi để quân và dân Đắk Lắk phối hợp với bộ đội chủ lực làm nên Chiến thắng Buôn Ma Thuột 10-3-1975, giải phóng tỉnh Đắk Lắk, mở màn cho cuộc Tổng tấn công nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà (30-4-1975).
 
Suốt hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc đầy khó khăn gian khổ, người dân buôn H’Ngô A luôn một lòng tin tưởng vào Đảng và Nhà nước. Ngày nay, dù còn nhiều khó khăn nhưng cuộc sống của người dân đã có những chuyển biến tích cực.
 
Được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước từ nhiều chương trình, dự án khác nhau, hầu hết nhà ở của người dân buôn H’Ngô A đã được xây dựng kiên cố; đường sá được bê tông hóa khang trang, điện được kéo về từng hộ, trường học được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu học tập của lớp trẻ... Không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, người dân buôn H’Ngô A đã phát huy tinh thần bất khuất trong thời chiến để tích cực tăng gia sản xuất, vượt khó ở thời bình, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, tươi đẹp. 
 
Khả Lê
 
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.