Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn: Hòa Lễ huy động tốt nguồn lực từ nhân dân

09:16, 23/04/2019

Xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông) hiện có 1.547 hộ với 6.572 khẩu, sinh hoạt tại 12 thôn, trong đó có 5 địa bàn dân cư sống tập trung theo “ô bàn cờ”; hệ thống giao thông nội vùng trong toàn xã là 15,6 km.

Trong nhiều năm, ngoài các thôn nằm dọc theo Tỉnh lộ 12, hầu hết những tuyến đường ở các thôn còn lại là đường đất bụi bặm, dày đặc “ổ trâu, ổ gà”, việc đi lại vào mùa mưa cũng như mùa nắng rất khó khăn… Đời sống của người dân trên địa bàn xã vẫn còn thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 28,57%, hộ cận nghèo là 24,11%. Hằng năm xã Hòa Lễ đều huy động nhân dân góp công sửa chữa, đắp vá những con đường đất phục vụ cho vận chuyển sản phẩm hàng hóa; nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời, qua một mùa thu hoạch là đường lại xuống cấp, hư hỏng nặng.

Người dân đã đóng góp 80 triệu đồng để làm đường giao thông ở thôn 9.
Người dân đã đóng góp 80 triệu đồng để làm đường giao thông ở thôn 9.

Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, Ban Chỉ đạo nông thôn mới xã Hòa Lễ đã tăng cường tuyên truyền cho người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng, các nội dung, tiêu chí của chương trình; phối hợp với các đoàn thể hướng dẫn nhân dân tự lựa chọn những công trình ưu tiên tham gia xây dựng nông thôn mới phù hợp với đặc điểm của từng thôn, trong đó lấy tiêu chí xây dựng đường giao thông làm khâu đột phá…

Ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lễ cho biết, để tạo sự đồng thuận thống nhất cao, huy động nguồn lực từ dân để xây dựng kết cấu hạ tầng, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, xã đã chú trọng thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, công khai minh bạch các khoản thu, chi; các ban giám sát cộng đồng đều do nhân dân trong thôn cử ra…

Người dân đóng góp 90% kinh phí xây dựng Nhà sinh hoạt văn hóa thôn 9.
Người dân đóng góp 90% kinh phí xây dựng Nhà sinh hoạt văn hóa thôn 9.

Thấy được lợi ích thiết thực từ sự đóng góp của mình, người dân xã Hòa Lễ đã đồng thuận cao, nhiều người sẵn sàng đóng góp tiền của, công sức xây dựng các công trình công cộng. Điển hình như ông Lưu Hữu Ca, vốn là người dân thôn 6 (xã Hòa Lễ) hiện là doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh, đã tự nguyện đóng góp 445 triệu đồng xây dựng Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, làm đường bê tông và điện thắp sáng trong thôn, bê tông hóa sân trường THCS; bà Hồ Thị Như (thôn 10) dành dụm số tiền phụ cấp ít ỏi để đóng góp 30 triệu đồng xây dựng công trình văn hóa kỷ niệm ngày người dân trong thôn đặt chân đến vùng kinh tế mới…

Ở thôn 9, ông Trần Nguyên Tân (thôn 9) đóng góp 85 triệu đồng làm cầu, đường, cổng chào, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng của thôn; ông Nguyễn Sỹ Thảo đóng góp 20 triệu đồng; bà Nguyễn Thị Trang đóng góp 15 triệu đồng làm đường giao thông nông thôn. Con đường giao thông nông thôn dài 450 mét ở thôn 9 có tổng kinh phí 370 triệu đồng thì nhân dân đóng góp 80 triệu đồng.

Đến nay, tổng nguồn vốn đầu tư cho xây dựng nông thôn mới ở xã Hòa Lễ là 8,3 tỷ đồng; trong đó, nhân dân đóng góp tiền mặt và ngày công quy ra tiền trên 1,5 tỷ đồng, hiến 1.000 m2 đất. Xã đã triển khai xây dựng 6,3 km đường bê tông; 10/12 thôn có nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

 

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.