Multimedia Đọc Báo in

Chuyển đổi hiệu quả đất lúa bấp bênh nguồn nước sang trồng hoa màu

08:12, 16/05/2019

Những năm gần đây, nhờ mạnh dạn chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, không chủ động về nguồn nước sang trồng các loại cây hoa màu khác đã giúp bà con nông dân xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin) nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Xã Cư Êwi có 376 ha lúa nước, trong đó có gần 20 ha không chủ động về nguồn nước, thường gặp khô hạn trong gieo trồng các vụ hè thu và đông xuân. Xã Cư Êwi đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đa dạng hóa cây trồng, tăng hiệu quả sử dụng đất, nâng cao giá trị sản xuất. Hội Nông dân, cán bộ khuyến nông đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả, không chủ động về nguồn nước sang trồng các loại cây phù hợp với thổ nhưỡng như: ngô, đậu xanh, rau màu...

Để giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, Hội Nông dân xã còn phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cung ứng nguồn giống, tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân chuẩn bị đất, cơ cấu giống, thời vụ, cách chăm sóc, phòng bệnh cho cây trồng. Cùng với đó, xã cũng chú trọng chỉ đạo áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa, sử dụng các loại phân bón chất lượng cao vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn.

Ông Nông Văn Chệch bên vườn đậu xanh của gia đình.
Ông Nông Văn Chệch bên vườn đậu xanh của gia đình.

Sau khi được Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện triển khai mô hình trồng đậu xanh trên chân ruộng bấp bênh về nguồn nước trong vụ hè thu vừa qua, gia đình ông Nông Văn Chệch (ở thôn 4) đã tham gia mô hình ngay. Gia đình ông hiện có 3 sào đất ruộng không chủ động về nguồn nước thường để hoang do không đủ nguồn nước để cây lúa phát triển, vì vậy ông đã chủ động tham gia mô hình trồng đậu xanh cao sản.

Sau 3 tháng thực hiện mô hình, với sự hỗ trợ về phân bón, kỹ thuật và 50% kinh phí mua giống đậu xanh V94-208, cây đậu xanh sinh trưởng phát triển tốt, thời gian sinh trưởng ngắn, ra hoa và quả chín tập trung. Đặc biệt loại cây này rất phù hợp trên chân ruộng bấp bênh nguồn nước, cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế khá cao. Trên diện tích 3 sào ông thu hoạch được gần 700 kg, với giá bán hiện nay 22.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình ông có thu nhập gần 10 triệu đồng.

Hay như gia đình chị Hoàng Thị Mới (ở thôn 5), trong sản xuất vụ hè thu năm 2019, gia đình chị đã chuyển đổi 0,3 ha đất trồng lúa nước không chủ động về nguồn nước sang trồng ngô lai. Theo chị Mới, việc trồng ngô lai đơn giản và ít công chăm sóc hơn cây lúa mà hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn. Chị Mới chia sẻ: “Trồng ngô tôi thấy hiệu quả hơn trồng lúa, vì là chân ruộng bấp bênh về nguồn nước nên trồng lúa thường phải tưới nhiều, nhiều công chăm sóc mà năng suất lại thấp. Nhưng trồng ngô tôi ít phải tưới hơn, công chăm sóc cũng ít hơn mà hiệu quả năng suất lại cao hơn hẳn cây lúa…”.

Nhờ thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, hiệu quả, đời sống của bà con ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 199 hộ. Thời gian tới, UBND xã tiếp tục thực hiện chuyển đổi đất chuyên trồng lúa không chủ động về nguồn nước sang trồng các loại hoa màu như: ngô, đậu xanh, bí xanh... gắn với đầu ra cho sản phẩm; đồng thời thực hiện các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện để góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Mỹ Hằng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.