Multimedia Đọc Báo in

Du lịch Đắk Lắk: Hướng đến phát triển bền vững (Kỳ 1)

08:17, 18/05/2019

Phát triển bền vững là một thách thức lớn với  ngành du lịch Đắk Lắk. Bởi nhiều lý do, trong đó nổi lên các vấn đề mấu chốt, đáng quan tâm như “bài toán” bảo tồn và phát triển; chất lượng sản phẩm và mối liên kết, hợp tác của người dân sống trong vùng du lịch nói chung...

Kỳ 1: “Bài toán” bảo tồn và phát triển

Bảo tồn và phát triển là “bài toán” luôn đặt ra cho bất kỳ ngành nghề, lĩnh vực nào trong đời sống xã hội với nhiều cấp độ và bình diện khác nhau. Ngành kinh tế du lịch ở mọi quốc gia, cho đến từng địa phương đều không nằm ngoài thách thức đó, tất cả đều phải tìm cách giải quyết rốt ráo bài toán ấy.

Vậy ngành du lịch Đắk Lắk thì sao? Nhiều người cho rằng, để tìm được lời giải cho bài toán hóc búa trên là chuyện không dễ dàng, bởi giữa bảo tồn và phát triển là hai phạm trù - hành xử không dễ dung hòa, trong đó luôn tồn tại những mâu thuẫn, đối nghịch nhau. Còn nhớ, tại Hội thảo tham vấn ý kiến của các nhà quản lý, khoa học và doanh nghiệp để xây dựng “Đề án quy hoạch, phát triển du lịch Đắk Lắk  giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030” được UBND tỉnh tổ chức vào đầu năm 2017, nhiều ý kiến cho rằng, làm du lịch phải gắn kết với bảo tồn nhằm tạo ra sản phẩm đặc thù, mang tính cạnh tranh từ vốn văn hóa, tài nguyên thiên nhiên của mình, nếu không sẽ rơi vào tình trạng chụp giựt, “ăn xổi ở thì” và tụt hậu trước xu thế cạnh tranh, hội nhập gay gắt và mạnh mẽ như hiện nay.

Voi là sản phẩm đặc thù của du lịch Đắk Lắk.
Voi là sản phẩm đặc thù của du lịch Đắk Lắk.

Ý hướng là vậy, nhưng trên thực tế diễn ra lại khác - ông Trần Tuấn Anh (Khu du lịch Hồ Lắk - Công ty Cổ phần Du lịch Đắk Lắk) dẫn giải: Phần lớn những sản phẩm du lịch ở đây đều dựa vào cộng đồng người M’nông tại chỗ (cưỡi voi, du thuyền, diễn tấu cồng chiêng, sinh hoạt và ngủ lại nhà dài…). Hết thảy các giá trị đó là vốn liếng, nguồn lợi cơ bản giúp doanh nghiệp làm du lịch ở đây khai thác và kinh doanh, không ai muốn nó thay đổi, hoặc mất đi vì bất kỳ lý do gì: tác động từ bên ngoài, hay sự thay đổi nội tại bên trong các cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, nghịch lý của vấn đề nằm ở chỗ chủ nhân của vốn tài nguyên trên (là người dân tại chỗ) không nghĩ vậy, mà họ luôn tìm mọi cách để đảm bảo điều kiện sống cho mình và cộng đồng ở mức cho phép. Thế là nhiều gia đình bán voi, chiêng ché, thuyền độc mộc, phá bỏ nhà dài để kiếm đường mưu sinh và tồn tại. Cứ như thế, mọi thứ trở nên đảo lộn, mất mát khiến mục đích, ý nghĩa của việc bảo tồn và phát triển đối với doanh nghiệp, cũng như cộng đồng ở đây trở nên bất cập.

“Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, nhất là loại hình du lịch văn hóa - sinh thái chưa hề coi cộng đồng là chỗ dựa. Và cộng đồng người sống trong vùng du lịch cũng chưa được chia sẻ lợi nhuận từ doanh nghiệp mang lại khiến “bài toán” bảo tồn và phát triển không thể giải quyết nổi”- (Trích tham luận tại Hội thảo xây dựng “Đề án quy hoạch, phát triển du lịch Đắk Lắk giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030”).

Nhiều đơn vị khác như Trung tâm Du lịch Buôn Đôn, Công ty TNHH Du lịch sinh thái Bản Đôn, Công ty Cổ phần Thương mại - Du lịch Ánh Dương, Thanh Hà … cũng phải đối mặt với những nghịch lý ấy. Giữa bảo tồn và phát triển đang gặp phải những thách thức không dễ vượt qua. Hầu hết những đơn vị làm du lịch ở đây chia sẻ sản phẩm của họ phụ thuộc vào sự mất - còn của các yếu tố cảnh quan, thiên nhiên và vốn văn hóa của các dân tộc thiểu số tại chỗ. Ông Lê Thanh Hà - phụ trách Khu du lịch Ánh Dương phác họa sơ đồ bảo tồn và phát triển trong lĩnh vực du lịch văn hóa - sinh thái ở đây như sau: Giữ được bến nước, dòng sông, ngọn thác cũng như đàn voi nhà, cồng chiêng, nhà dài, các làn điệu dân ca, dân vũ của người M’nông, Êđê, Ja rai và cả “gia tài” săn bắt, thuần dưỡng voi nức tiếng của người Lào nữa thì mới đủ sức mời gọi du khách tìm đến thưởng thức và trải nghiệm. Theo đó, chủ nhân của nó (được xem như nhà cung cấp dịch vụ và sản phẩm du lịch cho khách hàng) sẽ có thêm thu nhập để cải thiện đời sống. Nếu tuân thủ thực hiện theo đúng sơ đồ đó thì dĩ nhiên Nhà nước - doanh nghiệp - người dân đều có lợi, việc bảo tồn và phát triển mới đạt đến sự bền vững, hài hòa. Khốn nỗi, giữa “hai vế” trong mục tiêu trên bao giờ cũng bị lệch, bởi lâu nay các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, nhất là loại hình du lịch văn hóa - sinh thái chưa hề coi cộng đồng là chỗ dựa. Và cộng đồng người sống trong vùng du lịch cũng chưa được chia sẻ lợi nhuận từ doanh nghiệp mang lại khiến “bài toán” bảo tồn và phát triển không thể giải quyết nổi.

Chương trình  biểu diễn cồng chiêng
Chương trình biểu diễn cồng chiêng "Âm vang đại ngàn" phục vụ du khách là bước phát triển sản phẩm Văn hóa cồng chiêng.

Ở cấp độ cao hơn thì “bài toán” bảo tồn và phát triển trong ngành kinh tế du lịch Đắk Lắk còn phải được soi rọi cả về khía cạnh quy hoạch lẫn phân chia lợi ích giữa các ngành, nghề trên cùng một nguồn lợi tài nguyên. Ví như nguồn nước chẳng hạn, ông Nguyễn Trụ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du lịch Thanh Hà cho đây là yếu tố có ý nghĩa sống còn đối với các đơn vị làm du lịch văn hóa - sinh thái trên địa bàn. Nếu vì một sự đánh đổi thiếu cân nhắc, tính toán thì sẽ bóp chết ngành “công nghiệp không khói” ở đây. Trong đó thủy điện được xem là “con dao hai lưỡi” trước những mối quan tâm trên. Bởi một lần nữa xin được nhắc lại, đến nay trên địa bàn Đắk Lắk đã có ít nhất 4 công trình thủy điện (Buôn Kuốp, Krông K’ma, Sêrêpôk 4 và Sêrêpôk 4A) đã lấy đi nguồn nước cũng như cảnh quan thiên nhiên thơ mộng vốn có, khiến không ít đơn vị làm du lịch văn hóa - sinh thái lâm vào cảnh "dở khóc, dở cười" (!).

(Còn nữa)

 Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực ngăn chặn “tín dụng đen” xâm nhập học đường
Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk liên tục có các biện pháp trấn áp, truy quét, nhưng các ổ nhóm "tín dụng đen" vẫn có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật. Hiện nay, học sinh là nạn nhân mà các đối tượng này hướng đến.