Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả kép từ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất

08:52, 17/05/2019

Nhạy bén nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng cũng như những tiến bộ kỹ thuật, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng các mô hình sản xuất với những sản phẩm nông nghiệp vừa chất lượng vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Rau sạch xuất đi TP. Hồ Chí Minh

Với mô hình trồng rau sạch trên diện tích hơn 1 sào, hơn 5 năm nay, bà Lương Thị Hạnh (thôn 3, xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) luôn có nguồn thu nhập ổn định từ việc tiêu thụ sản phẩm. Tất cả các loại rau trồng của gia đình bà đều được một số trường học tại TP. Hồ Chí Minh bao tiêu từ nhiều năm nay. Theo đó, vào chiều tối hằng ngày, bà Hạnh cắt rau rồi gửi xe xuống TP. Hồ Chí Minh cho khách; trung bình mỗi ngày từ 30 - 50 kg rau các loại với giá thành từ 40-50 nghìn đồng/kg. Hiện vườn rau sạch của bà Hạnh trồng đa dạng các chủng loại như: cải, xà lách, rau muống, ngò rí, hành, rau dền, mồng tơi…

Vườn rau trồng theo tiêu chuẩn VietGAP của bà Lương Thị Hạnh (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột).
Vườn rau trồng theo tiêu chuẩn VietGAP của bà Lương Thị Hạnh (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột).

Để đáp ứng các yêu cầu, điều kiện về chất lượng sản phẩm của đơn vị thu mua, vườn rau của gia đình bà Hạnh được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP với hệ thống nhà lưới và tưới tiết kiệm. Đặc biệt, tất cả các khâu luôn tuân thủ đúng quy trình, kiểm tra nghiêm ngặt từ nguồn nước tưới, lượng phân bón; trong đó, rau trồng chủ yếu được bón phân hữu cơ; thuốc phòng trừ sâu hại được pha chế từ rượu, ớt, tỏi, sả… Nhờ đó, sản phẩm rau của gia đình bà không chỉ cho năng suất cao, chất lượng ngon mà luôn đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, không lo lắng vấn đề đầu ra.

Được biết, chỉ với diện tích hơn 1 sào đất trồng rau, bà Hạnh đã đầu tư chi phí lên đến hàng chục triệu đồng để làm nhà lưới và lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm. Cũng nhờ việc mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học đã giúp gia đình giảm công lao động, chi phí sản xuất mà giá thành sản phẩm bán ra luôn cao hơn so với mặt bằng chung.

Hướng phát triển bền vững

Theo đánh giá của ông Vương Hữu Nhi, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào sản xuất, chăn nuôi của các nông hộ trên địa bàn tỉnh trong những năm qua thực sự mang lại hiệu quả kép: không những tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn đưa nông dân đến gần hơn với nền sản xuất hiện đại, tạo nền tảng để phát triển nông nghiệp 4.0.

Trang trại chăn nuôi heo rừng lai của hộ anh La Văn An (xã Ea Sar, huyện Ea Kar).
Trang trại chăn nuôi heo rừng lai của hộ anh La Văn An (xã Ea Sar, huyện Ea Kar).

Cụ thể, trong lĩnh cực trồng trọt, theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến cuối năm 2017, tổng diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên toàn tỉnh là khoảng 18.245 ha. Trong đó, nhiều mô hình mang lại hiệu quả như sản xuất rau sạch trong nhà lưới, trồng dưa lưới Nhật Bản, nấm linh chi, trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao, tưới nước tiết kiệm và mô hình nhà phơi nông sản màng plastic… Các mô hình này không chỉ tăng hiệu quả sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm mà còn giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, nhiều phương pháp tiên tiến được ứng dụng như chăn nuôi trong nhà lạnh, sử dụng tinh bò đông lạnh, chọn các giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao… Trên cơ sở đó, ngành chăn nuôi của tỉnh đã bước đầu hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và chuyển từ chăn nuôi quy mô nông hộ, gia trại sang chăn nuôi công nghiệp trang trại quy mô lớn, công nghệ cao.

Đơn cử như mô hình chăn nuôi heo và gà theo hình thức liên kết với Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam phát triển mạnh, với nhiều hộ dân trên địa bàn xã Hòa Thuận, Hòa Thắng, Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) tham gia. Hay như mô hình chăn nuôi heo rừng lai trên địa bàn xã Ea Sar (huyện Ea Kar) ban đầu chỉ với một vài hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ nhưng đến nay đã phát triển lên hàng chục hộ nuôi, đưa tổng đàn lên trên 1.000 con. Với những ưu điểm như: chất lượng thịt tốt, năng suất cao, ít bệnh tật, không kén thức ăn, dễ thích nghi với mọi điều kiện sống, đầu ra ổn định nên nuôi heo rừng lai đã và đang được người dân trên địa bàn xã Ea Sar lựa chọn để phát triển kinh tế.

Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất là mô hình phát triển kinh tế bền vững cho người dân, là xu thế tất yếu của thời đại. Tuy nhiên, việc ứng dụng này đối với phần lớn các hộ dân còn gặp nhiều khó khăn như: chi phí đầu tư cao; thiếu hiểu biết về khoa học, kỹ thuật nên sản xuất còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ; không có chiến lược quảng bá rộng rãi để người tiêu dùng biết đến chất lượng, lợi ích của việc sử dụng sản phẩm... Do đó, ngoài sự nỗ lực của chính người dân, rất cần những chính sách khuyến khích, hỗ trợ của địa phương, ban, ngành trong việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để người dân yên tâm sản xuất.

Theo Đề án rà soát, điều chỉnh, bổ sung Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của UBND tỉnh đến năm 2020, đẩy mạnh ứng dụng trên diện rộng công nghệ cao trong nông nghiệp để sản xuất sản phẩm hàng hóa có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao; đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm ít nhất 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.