Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M'gar: Phát triển mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh giống cây trồng

08:38, 24/05/2019

Trong những năm gần đây, hoạt động sản xuất và kinh doanh giống cây trồng ở huyện Cư M’gar phát triển khá mạnh và trở thành một trong những nghề mang lại thu nhập chính cho nhiều hộ dân trên địa bàn.

Nhiều năm nay, cơ sở sản xuất và kinh doanh cây giống của ông Trần Thành Hơn (ở tổ dân phố 8, thị trấn Quảng Phú) là địa điểm quen thuộc được nhiều hộ dân tìm đến mua cây giống. Bắt đầu sản xuất và kinh doanh từ năm 2012, ban đầu, ông chỉ ươm một số giống cây dễ tiêu thụ như: cà phê, hồ tiêu... Dần dần, với số vốn tích lũy được sau mỗi vụ bán cây giống, ông đã mở rộng quy mô vườn ươm cũng như chủng loại cây giống. Hiện nay, vườn ươm của gia đình ông có diện tích gần 2.000 m2, với nhiều loại cây giống như: cà phê, bơ, sầu riêng, ổi, dừa… Đây là các loại cây có giá trị kinh tế cao và được thị trường ưa chuộng.

Ông Trần Thành Hơn (trái) giới thiệu cho khách về giống cây sầu riêng.
Ông Trần Thành Hơn (trái) giới thiệu cho khách về giống cây sầu riêng.

Bên cạnh đó, ông Hơn còn đầu tư hệ thống tưới nước tự động cho vườn ươm, điều này không chỉ tiết kiệm nước tưới, nhân công lao động mà còn hạn chế số cây bị dập, hao hụt khi tưới nước bằng biện pháp thủ công. Do cây giống của gia đình ông chất lượng đảm bảo, giá cả phải chăng nên khách hàng tìm đến ngày càng nhiều. Bình quân, mỗi năm gia đình ông xuất bán ra thị trường hàng vạn cây giống các loại, cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí đầu tư, chăm sóc. Nhờ có nguồn thu nhập từ sản xuất và kinh doanh cây giống, kinh tế của gia đình ông Hơn ngày càng phát triển, xây dựng được nhà cửa khang trang với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt.

Ông Hơn chia sẻ: “Nếu như trồng cà phê, hồ tiêu cần diện tích lớn mới đem lại hiệu quả cao, thì làm vườn ươm chỉ cần khoảng vài nghìn mét vuông là có thể triển khai tốt. Ngoài ra, nhu cầu về giống cây trồng ở địa phương khá lớn; công việc làm vườn ươm cũng nhàn mà lợi nhuận mang lại khá cao...”.

Cũng chung nhận định như ông Hơn, ông Đỗ Hoàng Dương (ở thôn 6, xã Ea Kiết) đã mạnh dạn đầu tư sản xuất và kinh doanh lĩnh vực này cách đây hơn một năm. Trên diện tích 7.500 m2 đất, ông tập trung vào phát triển các loại giống cây như: sầu riêng, đinh lăng, ổi, mít, điều…; trong đó 5.000 m2 đất được ông dành riêng trồng thực nghiệm một số loại cây như: điều, mít, bơ, na, dừa xiêm… để người dân tham quan và lấy chồi ghép sản xuất cây giống. Hằng năm, cơ sở của gia đình ông cung ứng hàng vạn cây giống các loại cho người dân ở địa phương cũng như vùng lân cận trên địa bàn tỉnh và tại các tỉnh khác như Đắk Nông, Gia Lai… Sau khi trừ hết chi phí đầu tư mua giống, làm giàn, công chăm sóc, gia đình ông thu lãi hơn 150 triệu đồng và tạo công ăn việc làm thường xuyên cho nhiều lao động ở địa phương.

Được biết, nghề sản xuất và kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn huyện Cư M’gar hình thành từ nhiều năm trước nhưng những năm gần đây mới phát triển mạnh. Nếu như trước đây, bà con chỉ làm với diện tích nhỏ lẻ, chủ yếu để phục vụ cho gia đình và một số hộ ở địa phương thì nay nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển hướng sang chuyên canh sản xuất và kinh doanh giống cây trồng, với quy mô ngày càng lớn. Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện, tính đến nay toàn huyện có 60 cơ sở sản xuất và kinh doanh giống cây trồng (tăng 30 cơ sở so với năm 2014), tập trung ở các địa phương như: thị trấn Quảng Phú, Ea Pốk, các xã Quảng Tiến, Ea Kpam, Ea Tar, Ea Kiết... Các cơ sở chủ yếu sản xuất giống cây cà phê, cao su, hồ tiêu, điều; sầu riêng, bơ, mít; muồng đen, núc nác, lồng mức… Mỗi năm, các cơ sở sản xuất và kinh doanh cây giống trên địa bàn huyện xuất bán ra thị trường hàng trăm nghìn cây giống các loại, mang về nguồn thu nhập khá cho bà con nông dân, đồng thời giải quyết được việc làm cho nhiều lao động ở địa phương, với thu nhập ổn định. Kinh tế nhiều gia đình đã được nâng lên, vươn lên trở thành hộ khá, giàu ở địa phương.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.