Multimedia Đọc Báo in

Siết chặt khâu vận chuyển: Giải pháp ngăn chặn dịch tả heo châu Phi lây lan

09:20, 14/06/2019

Trước tình hình dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã tăng cường phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) để siết chặt khâu vận chuyển, nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Cuối tháng 5-2019, cơ quan chức năng đã phát hiện dịch tả heo châu Phi xuất hiện trên địa bàn xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) và sau đó là tại huyện Ea Súp. Ngay sau khi phát hiện dịch, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã nhanh chóng triển khai các biện pháp khống chế dịch lây lan. Trong đó, biện pháp kiểm soát dịch từ khâu vận chuyển được lực lượng CSGT và các trạm kiểm dịch trên địa bàn đặc biệt chú trọng.

Ghi nhận tại Trạm Kiểm dịch động vật Hòa Phú, lực lượng CSGT (Công an tỉnh) đang phối hợp với cán bộ, nhân viên Trạm tăng cường kiểm tra các phương tiện chở heo, sản phẩm từ heo lưu thông trên đường Hồ Chí Minh theo hướng từ Đắk Lắk đi các tỉnh miền Nam và ngược lại. Theo đó, cả 2 lực lượng thay ca trực 24/24 giờ, phối hợp dừng, kiểm tra đối với xe khách, xe tải, xe chuyên dụng (xe đông lạnh)… lưu thông trên tuyến đường này. Các phương tiện được kiểm tra, chủ xe hoặc tài xế đều phải xuất trình các giấy tờ liên quan, đặc biệt về hàng hóa, sản phẩm chở theo. Cùng với đó, cán bộ của Trạm kiểm tra kỹ các thùng hàng được đóng sẵn để tránh bỏ sót các sản phẩm được chế biến từ heo bệnh.

Cảnh sát giao thông phối hợp với cán bộ thú y Trạm kiểm dịch động vật Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) kiểm tra các phương tiện vận chuyển trên tuyến Quốc lộ 14 (đoạn qua xã Hòa Phú).
Cảnh sát giao thông phối hợp với cán bộ thú y Trạm kiểm dịch động vật Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) kiểm tra các phương tiện vận chuyển trên tuyến Quốc lộ 14 (đoạn qua xã Hòa Phú).

Trung tá Bạch Văn Tuấn, Phó Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 1 – Phòng CSGT cho biết, trong quá trình làm nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ CSGT nhận định phương tiện nào có dấu hiệu chở các sản phẩm từ heo sẽ kiểm tra kỹ, đặc biệt đối với xe đông lạnh. Quá trình kiểm tra nếu chủ phương tiện hoặc lái xe không xuất trình được các giấy tờ hợp lệ thì sẽ bàn giao lại cho Trạm kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền. Hiện nay, trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Hòa Phú có nhiều vị trí đấu nối với đường liên thôn, buôn nên khó tránh khỏi tình trạng các xe né Trạm. Để hạn chế tình trạng này, lực lượng CSGT tăng cường tuần tra các đường nhánh kiểm tra các phương tiện lưu thông, tránh tình trạng bỏ lọt xe chở heo bệnh hoặc các sản phẩm chế biến từ heo.

Còn theo ông Mai Xuân Lý, Trưởng Trạm Kiểm dịch động vật Hòa Phú, nhờ sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng CSGT, công tác kiểm tra các phương tiện chở heo và sản phẩm chế biến từ heo của đơn vị thuận tiện hơn. Trong thời gian từ ngày 29-5 đến 11-6, hai đơn vị đã kiểm tra 23 phương tiện chở 1.092 con heo và 49.563 kg sản phẩm từ heo. Đến thời điểm hiện tại lực lượng chức năng chưa phát hiện trường hợp phương tiện hay người dân nào vận chuyển heo mang mầm bệnh lưu thông qua Trạm.

Cán bộ Trạm kiểm dịch động vật Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) phun thuốc tiêu độc khử trùng xe vận chuyển heo đủ điều kiện đi qua địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Cán bộ Trạm kiểm dịch động vật Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) phun thuốc tiêu độc khử trùng xe vận chuyển heo đủ điều kiện đi qua địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Tại xã Hòa Phú, UBND xã cũng đã thành lập 2 chốt kiểm dịch được đặt trên 2 tuyến đường ở thôn 11 và thôn 5, là nơi có các phương tiện lưu thông nhiều. Theo đó, sau khi UBND TP. Buôn Ma Thuột công bố dịch tả heo châu Phi, ngày 3-6, chốt kiểm dịch chính thức hoạt động và thay ca trực 24/24 giờ. Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, cán bộ thú y xã Hòa Phú cho hay, toàn xã có 2.832 con heo, từ thời điểm phát hiện dịch, địa phương đã tiến hành phun 36 lít hóa chất, rắc 7 tạ vôi bột tại hộ có dịch và những chuồng trại lân cận để tránh lây lan. Đặc biệt, xã lập chốt kiểm tra các phương tiện chở heo từ địa bàn ra địa phương khác để kiểm soát việc vận chuyển heo bệnh từ vùng có dịch ra ngoài và ngược lại. Qua 9 ngày lập chốt (từ ngày 3 đến hết ngày 11-6), không có tình trạng phương tiện hay người dân vận chuyển heo có mang mầm bệnh từ xã Hòa Phú ra ngoài và ngược lại. Tuy nhiên, các thành viên trong tổ cũng không chủ quan, việc phân công trực chốt vẫn được thực hiện nghiêm túc cho đến khi công bố hết dịch.

Tương tự, trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Ea H’leo, Trạm CSGT Krông Búk (Phòng CSGT) cũng phối hợp chặt chẽ với lực lượng của Trạm Kiểm dịch động vật Ea H’leo nhằm hạn chế việc vận chuyển heo và sản phẩm từ heo mang mầm bệnh. Đây là tuyến đường trọng điểm, hằng ngày lượng phương tiện qua lại rất cao, đặc biệt là xe từ các tỉnh phía Bắc, miền Trung. Do đó, siết chặt kiểm tra, kiểm soát phương tiện trên tuyến góp phần hạn chế thấp nhất việc lây lan mầm bệnh do quá trình vận chuyển.

Ông Thủy Lệ Vũ, Phó Chi cục trưởng phụ trách chung Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 5 trạm và 1 chốt kiểm dịch động vật. Riêng 2 địa phương đang có dịch tả heo châu Phi (TP. Buôn Ma Thuột và huyện Ea Súp) đã lập thêm 4 chốt tạm thời để kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển heo ra, vào địa bàn. Từ khi có sự phối hợp của lực lượng CSGT thì việc kiểm tra các phương tiện tham gia giao thông ở các Trạm thuận lợi hơn, lái xe cũng chấp hành nghiêm túc để cho lực lượng thú y làm nhiệm vụ, nhất là xe khách. Nhờ đó, việc kiểm soát vận chuyển heo và sản phẩm từ heo ra, vào địa bàn Đắk Lắk được thực hiện rất chặt chẽ, hạn chế được sự lây lan của dịch bệnh.

Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), nghiên cứu dịch tễ đã chỉ ra 3 nguyên nhân chính làm bệnh dịch tả heo châu Phi lây lan, gồm: 46% do phương tiện vận chuyển và do con người không vệ sinh, phun thuốc khử trùng tiêu độc; 34% do sử dụng thức ăn thừa; 19% do vận chuyển heo sống và các sản phẩm của heo giữa các vùng. Do đó, kiểm soát tốt các phương tiện vận chuyển thì sẽ hạn chế việc lây lan bệnh dịch này ra diện rộng.

Hoàng Tuyết - Thuận Nguyễn


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.