Multimedia Đọc Báo in

Tập trung cao độ cho phòng chống dịch tả heo châu Phi

09:02, 10/06/2019

Dịch tả heo châu Phi được đánh giá là bệnh dịch nguy hiểm nhất từ trước đến nay vì không có vắc xin phòng bệnh, nếu không có giải pháp ứng phó phù hợp thì nguy cơ xóa sổ tổng đàn heo là rất cao.

“Bão” dịch tả hoành hành

Tính đến ngày 7-6, trên cả nước đã có 54 tỉnh, thành phố xuất hiện dịch tả heo châu Phi, tiêu hủy hơn 2,3 triệu con heo mắc bệnh với trọng lượng gần 140 nghìn tấn. Tổng thiệt hại do dịch tả heo châu Phi gây ra ước tính khoảng 3,6 nghìn tỷ đồng, bao gồm chi phí hỗ trợ heo bị tiêu hủy, chi phí mua hóa chất sát trùng, chi phí hỗ trợ tiêu hủy... Đến nay, đã có 139 xã thuộc 24 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày không phát sinh thêm heo mắc bệnh, nhưng có đến 48 xã thuộc 15 tỉnh có dịch bệnh đã qua 30 ngày lại tái phát sinh heo mắc bệnh.

Đàn heo bị dịch tả heo châu Phi ở xã Ea Rốk (huyện Ea Súp) được lực lượng chức năng mang đi tiêu hủy.
Đàn heo bị dịch tả heo châu Phi ở xã Ea Rốk (huyện Ea Súp) được lực lượng chức năng mang đi tiêu hủy.

Tại Đắk Lắk đã ghi nhận 6 ổ dịch tả heo châu Phi tại TP. Buôn Ma Thuột và huyện Ea Súp, với 139 con mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy. Ngoài những ổ dịch trên, huyện Cư M’gar cũng ghi nhận trường hợp heo bị bệnh ở một trang trại trên địa bàn xã Cư Suê; ở xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) cũng có hiện tượng heo chết, lực lượng chức năng đã khoanh vùng và lấy mẫu gửi đi xét nghiệm. Hiện nay, tổng đàn heo toàn tỉnh lên đến hơn 700 nghìn con, nguy cơ dịch tả heo châu Phi gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi là rất lớn nếu không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả, giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh (diễn ra vào ngày 6-6), các đại biểu cho rằng, bước đầu chống dịch, các địa phương đã thể hiện sự lúng túng trong khâu xử lý, tiêu hủy heo mắc bệnh. Lực lượng tham gia tiêu hủy vừa thiếu, vừa yếu khiến công tác xử lý mất rất nhiều thời gian. Đặc biệt, quỹ đất phục vụ công tác tiêu hủy ở nhiều địa phương chưa được bố trí sẵn sàng dẫn đến tình trạng heo bệnh, chết ở nơi này phải mang sang địa bàn khác để tiêu hủy khiến người dân chưa đồng thuận. Việc kiểm soát các phương tiện vận chuyển, đặc biệt là xe khách chưa chặt chẽ, gây khó khăn trong công tác kiểm soát nguồn lây bệnh.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh đến người dân còn nhiều hạn chế. Ông Đoàn Ngọc Thượng, Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột đơn cử ổ dịch đầu tiên phát sinh tại một hộ trên địa bàn xã Hòa Phú, gia đình này có người kinh doanh thịt heo tại chợ Hòa Phú và đã nhập heo từ huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông), nơi đang xảy ra dịch bệnh về tiêu thụ tại địa phương. Điều này cho thấy, ngay cả người chăn nuôi vẫn còn chủ quan, lơ là trong việc bảo vệ đàn heo của gia đình.

Huy động toàn xã hội vào cuộc

Theo Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh động vật của tỉnh, với tốc độ lây lan khủng khiếp của dịch tả heo châu Phi, việc chặn đứng dịch rất khó thực hiện. Phương án chủ động thu mua heo khỏe mạnh, cấp đông để tạm trữ cũng không khả thi vì trên địa bàn tỉnh hiện nay không có đơn vị nào đủ năng lực đáp ứng. Trong khi đó, người chăn nuôi như đang “ngồi trên đống lửa” do giá heo hơi giảm mạnh, xuống mức chỉ còn 28 nghìn đồng/kg.

Ông Lê Chí Kiên, Phó Giám đốc Cơ quan Thú y vùng V cho biết, dịch tả heo châu Phi đang là đại dịch toàn cầu, khiến cả thế giới phải “gồng mình” đối phó. Các chuyên gia dự báo, phải mất đến 5 năm nữa mới có thể nghiên cứu ra vắc xin phòng dịch tả heo châu Phi. Như vậy, ngành chăn nuôi phải sống chung với đại dịch này trong vòng 5 – 7 năm tới. Điều này đang vẽ ra một viễn cảnh đáng sợ cho ngành chăn nuôi vì vừa phải ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, vừa phải có phương án bảo vệ nguồn giống, bảo đảm tái đàn hợp lý để phục vụ nhu cầu thị trường.

Đàn heo bị nhiễm vi rút dịch tả heo châu Phi (ở xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) được mang đi tiêu hủy.
Đàn heo bị nhiễm vi rút dịch tả heo châu Phi (ở xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) được mang đi tiêu hủy.

Theo nhận định của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, trong thời gian tới, nguy cơ dịch tả heo châu Phi tiếp tục phát sinh và lây lan sang các địa phương chưa có dịch bệnh là rất cao. Dịch bệnh có thể phát triển theo 3 hướng: Phát tán và lây lan sang các địa phương chưa có dịch (như các huyện Krông Ana, Buôn Đôn, Cư M’gar, Cư Kuin, Krông Pắc, Ea H’leo và thị xã Buôn Hồ); phát sinh những ổ dịch mới ở các địa phương đang có dịch (TP. Buôn Ma Thuột, Ea Súp); dịch xảy ra ở các hộ nhỏ lẻ xâm nhiễm vào những cơ sở chăn nuôi heo tập trung, quy mô lớn.

Trước tình hình trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật của tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương huy động toàn hệ thống chính trị cùng thực hiện phòng, chống dịch, tham gia các điểm chốt chặn kiểm soát dịch bệnh.

Các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi cũng phải vào cuộc chung tay thực hiện những biện pháp an toàn sinh học, triển khai tiêu độc, khử trùng trên diện rộng để bảo vệ sản xuất của mình và cả cộng đồng. Ngoài ra, tăng cường các hình thức tuyên truyền trực quan như huy động xe loa tuyên truyền lưu động, lắp đặt pa-nô với nội dung không thả rông heo tại các buôn đồng bào dân tộc thiểu số; không sử dụng thức ăn thừa trong chăn nuôi; nghiêm cấm xe khách vận chuyển heo, các sản phẩm từ thịt heo ra vào địa bàn; công bố rộng rãi số điện thoại "nóng" để người dân kịp thời phản ảnh các hành vi vận chuyển, giết mổ heo, tiêu thụ thịt heo không rõ nguồn gốc.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật của tỉnh đã ban hành Quyết định phân công địa bàn phụ trách đối với các thành viên Ban chỉ đạo. Theo đó, thành lập 3 tổ phụ trách địa bàn, các thành viên chịu trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện những biện pháp phòng chống bệnh động vật tại các địa phương.

   Minh Thuận - Đinh Nga

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.