Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện thành lập các chi cục thuế khu vực: Bảo đảm ổn định bộ máy, nhanh chóng phát huy hiệu quả

09:00, 14/06/2019

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, Cục Thuế tỉnh đang tiến hành những bước cần thiết để thành lập các chi cục thuế khu vực.

Theo Đề án về việc thành lập chi cục thuế khu vực trực thuộc Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk được Bộ Tài chính phê duyệt, từ 15 đầu mối chi cục thuế hiện nay sau khi hoàn thành việc sáp nhập sẽ giảm xuống còn 10 đầu mối (gồm 5 chi cục thuế không thực hiện sáp nhập là TP. Buôn Ma Thuột, Krông Pắc, Cư M'gar, Buôn Đôn, Ea Súp và 5 chi cục thuế khu vực sáp nhập từ 10 chi cục thuế các huyện, thị xã còn lại). Việc sáp nhập này là chủ trương của Bộ Tài chính nhằm hiện thực hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII quy định một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả.

Cục Thuế tỉnh cũng xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, cần thực hiện nghiêm túc, bảo đảm đúng lộ trình được phê duyệt. Song song đó, ngành Thuế tỉnh cũng đã có những bước chuẩn bị cần thiết, phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc sắp xếp, sáp nhập các chi cục thuế và thực hiện thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, bảo đảm ổn định trong mọi hoạt động, không ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính trị được giao. Đồng thời,  tránh ách tắc, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch ngân sách hàng năm của các địa phương, bảo đảm phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp trong việc chấp hành nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước.

Cán bộ Chi cục Thuế huyện Cư Kuin kiểm tra một cơ sở kinh doanh trên địa bàn.
Cán bộ Chi cục Thuế huyện Cư Kuin kiểm tra một cơ sở kinh doanh trên địa bàn.

Tuy nhiên thực tế Đắk Lắk có nhiều đặc thù so với các địa phương khác trong công tác thuế, nhất là địa bàn trải rộng, dân cư đông đúc nhưng phân tán rải rác, khiến việc thu thuế gặp nhiều khó khăn. Nay các chi cục thuế được sáp nhập sẽ tạo áp lực lớn trong công tác quản lý thuế đối với đơn vị đầu mối là chi cục thuế khu vực. Cụ thể, sau khi sáp nhập, Chi cục Thuế khu vực Ea H’leo - Krông Búk sẽ quản lý 722 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hành chính sự nghiệp (hiện Chi cục Thuế Ea H’leo quản lý 435 đơn vị, Krông Búk 287 đơn vị) và 5.110 hộ kinh doanh cá thể (Ea H’leo 2.361 hộ, Krông Búk 2.749 hộ), với tổng số thuế thu năm 2018 là 91,3 tỷ đồng. Chi cục Thuế khu vực Buôn Hồ - Krông Năng sẽ quản lý 816 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hành chính sự nghiệp (Buôn Hồ 397 đơn vị, Krông Năng 419 đơn vị) và 3.371 hộ kinh doanh cá thể (Buôn Hồ 1.331 hộ, Krông Năng 2.040 hộ), với tổng thu thuế năm 2018 là 119,7 tỷ đồng. Chi cục Thuế khu vực Krông Ana – Cư Kuin quản lý 543 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hành chính sự nghiệp (Krông Ana 275 đơn vị, Cư Kuin 268 đơn vị), 3.507 hộ kinh doanh (Krông Ana 991 hộ, Cư Kuin 2.516 hộ), với tổng thu thuế năm 2018 là 71,9 tỷ đồng. Chi cục Thuế khu vực Lắk – Krông Bông quản lý 403 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hành chính sự nghiệp (Lắk 178 đơn vị, Krông Bông 225 đơn vị), 3.274 hộ kinh doanh (Lắk 1.660 hộ, Krông Bông 1.614 hộ), với tổng thu thuế năm 2018 là 60,1 tỷ đồng. Chi cục Thuế khu vực Ea Kar – M’Đrắk quản lý 739 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hành chính sự nghiệp (Ea Kar 540 đơn vị, M’Đrắk 199 đơn vị), 3.564 hộ kinh doanh (Ea Kar 2.609 hộ, M’Đrắk 955 hộ), với tổng thu thuế năm 2018 là 149,7 tỷ đồng.

Người dân làm thủ tục tại Chi cục Thuế thị xã Buôn Hồ.
Người dân làm thủ tục tại Chi cục Thuế thị xã Buôn Hồ.
 

"Sau khi thực hiện sáp nhập các chi cục thuế thành chi cục thuế khu vực, tại những địa phương không có trụ sở chính, người nộp thuế vẫn thực hiện các thủ tục, nghĩa vụ liên quan như trước đây. Tại các địa phương không đặt trụ sở chính, ngành Thuế vẫn duy trì bộ phận Một cửa để tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính cho người nộp thuế trên địa bàn".

 
 
Ông Bùi Văn Chuẩn, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh

Theo yêu cầu của Bộ Tài chính, việc sáp nhập phải tuân thủ nguyên tắc cơ cấu tổ chức bộ máy sau khi sắp xếp, sáp nhập bảo đảm đầy đủ các chức năng quản lý thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác trên địa bàn theo quy định. Đồng thời, không gây xáo trộn lớn đối với tổ chức bộ máy; bảo đảm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách trên địa bàn, bảo đảm ổn định trong mọi hoạt động. Dựa trên nguyên tắc đó, sau khi sáp nhập, tại các địa phương không đặt trụ sở chính vẫn còn bộ phận Một cửa để tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính cho người nộp thuế trên địa bàn. Tuy nhiên theo nhận định của ngành Thuế tỉnh, mặc dù bộ phận Một cửa này do một lãnh đạo chi cục thuế khu vực phụ trách, nhưng khả năng tiếp cận và nhận được sự chỉ đạo, hỗ trợ từ địa phương nơi không có trụ sở chính sẽ bị hạn chế so với trước khi sáp nhập, nhất là công tác chỉ đạo để có sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong công tác thu ngân sách.

Theo Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bùi Văn Chuẩn, mục tiêu hướng đến của việc thành lập các chi cục thuế khu vực là nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế trên địa bàn. Sau khi sáp nhập, các phòng, ban của hai đơn vị tập trung về một mối, thuận tiện trong việc quản lý, góp phần giải quyết công việc nhanh chóng, hiệu quả. Điều này không chỉ mang ý nghĩa giảm số đầu mối, nhân sự mà còn là động lực quan trọng để ngành Thuế tỉnh triển khai thực hiện thu - nộp thuế điện tử, đáp ứng yêu cầu phục vụ tốt hơn cho người nộp thuế, hạn chế những tiêu cực phát sinh. Tuy nhiên, để bảo đảm quá trình sáp nhập này không gây ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính trị được giao, bên cạnh nỗ lực của ngành Thuế, cần có sự chia sẻ, hỗ trợ của địa phương cả trong quá trình thực hiện cũng như khi các chi cục thuế khu vực đi vào hoạt động. Để cụ thể hóa vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các địa phương có chi cục thuế được sáp nhập, ngành Thuế tỉnh sẽ thực hiện ký kết các quy chế phối hợp trong thời gian tới nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần vào sự thành công chung trong công tác thu ngân sách trên địa bàn tỉnh.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.