Multimedia Đọc Báo in

Khó kiểm soát dịch tả heo châu Phi trên địa bàn huyện Ea Súp

09:08, 16/07/2019

Dù các ngành chức năng huyện Ea Súp đã đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi, nhưng dịch bệnh vẫn có chiều hướng phức tạp, diễn biến khó lường, ngày càng lan rộng.

Tìm đến thị trấn Ea Súp, nơi người dân đang thấp thỏm lo lắng vì dịch tả heo châu Phi mới hiểu phần nào nỗi lòng của bà con. Chỉ hơn 10 ngày kể từ khi phát hiện dịch (ngày 3-7), tính đến ngày 12-7, toàn thị trấn buộc phải tiêu hủy gần 70 con heo của 26 hộ dân. Riêng trong ngày 12-7, địa phương này có tới 9 hộ bị ảnh hưởng dịch, buộc tiêu hủy 22 con heo.

Hơn 10 năm qua, công việc chăn nuôi heo lai giúp gia đình anh Nguyễn Trọng Luật (thôn 9, thị trấn Ea Súp) có thêm kinh phí trang trải cuộc sống. Nhưng giờ đây, cả đàn heo (2 con heo nái, 5 heo con) của gia đình buộc phải tiêu hủy vì nhiễm bệnh. Trong căn nhà xập xệ, anh Luật chua chát nói: “Chúng tôi đầu tư khá nhiều tiền để nuôi heo chờ ngày sinh lời, nhưng heo mẹ vừa sinh chưa được bao lâu thì cả đàn biếng ăn, có dấu hiệu bệnh tật. Vậy là mọi công sức đổ sông đổ bể. Tuy rất đau lòng, nhưng nếu để lây lan, gia đình tôi lại mang tội với xóm làng”.

Tiêu hủy heo bị mắc dịch tả heo châu Phi trên địa bàn thị trấn Ea Súp.
Tiêu hủy heo bị mắc dịch tả heo châu Phi trên địa bàn thị trấn Ea Súp.

Hai vợ chồng ông Y Blưng H’ra và bà H’Hon Niê (buôn A1) như người thất thần mỗi khi nhìn ra chuồng heo gia đình. Sau nhiều thời gian chăm sóc, ông bà tìm kiếm vật liệu rào quanh khu vực chuồng, lót ổ cẩn thận để chờ ngày 2 con heo nái sinh nở, nhưng không kịp gặt hái thành quả. Bà H’Hon Niê thở dài cho hay, heo nái mắn đẻ lắm, mỗi lứa sinh cả chục con. Với ông bà già ở tuổi này (75 tuổi), họ chẳng biết làm gì để có chút tiền ngoài trông chờ mấy con heo. Nay thì mất sạch, họ cũng chẳng biết khi nào mới nuôi lại heo được.

 
"Dịch tả heo châu Phi đang diễn biến phức tạp, khó khống chế trong ngày một ngày hai. Hiện huyện đang bố trí kinh phí dự phòng cho công tác khống chế dịch, tuy nhiên về lâu dài, huyện rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn".
 
Ông Nguyễn Ngọc Phú, Trưởng Phòng NN-PTNN huyện Ea Súp

Theo thống kê của Phòng NN-PTNN huyện Ea Súp, dịch tả heo châu Phi xuất hiện trên địa bàn huyện từ ngày 3-6 tại xã Ea Rốk. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, dịch đã lây lan, ảnh hưởng trên diện rộng với 8/10 xã, thị trấn. Tính đến ngày 11-7, toàn huyện có 227 hộ với 1.751 con heo bị tiêu hủy do mắc bệnh. Trong số đó, xã Ea Rốk bị ảnh hưởng nặng nề nhất với trên 1.000 con heo.

Ông Nguyễn Ngọc Phú, Trưởng Phòng NN-PTNN cho biết, Ea Súp là vùng nông nghiệp, hầu như các hộ dân đều kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi nhỏ lẻ, nên chỉ cần một hộ có heo bị bệnh là các hộ lân cận đều có thể ảnh hưởng. Cùng với đó, ở một số thôn, buôn, người dân thường nuôi heo thả rông, khi một con bị bệnh nhưng vì xót của nên bà con thường lấy nhiều lý do không muốn tiêu hủy cả đàn. Cùng với đó, người chăn nuôi chậm khai báo và thiếu quan tâm việc phòng dịch, khiến lực lượng chức năng vừa mất thời gian, vừa khó khống chế dịch bệnh…

Phun thuốc tiêu độc, khử trùng chuồng trại có đàn heo bị dịch bệnh trên địa bàn thị trấn Ea Súp.
Phun thuốc tiêu độc, khử trùng chuồng trại có đàn heo bị dịch bệnh trên địa bàn thị trấn Ea Súp.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, huyện Ea Súp đã tăng cường nhiều biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn, khống chế dịch bệnh. UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng chủ động phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường áp dụng các biện pháp nhằm quản lý chặt chẽ đàn gia súc, nhất là đàn heo của từng hộ gia đình, từng thôn, buôn, tổ dân phố, đặc biệt ở những nơi có dịch. Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ việc mua bán, vận chuyển, giết mổ heo và các sản phẩm từ thịt heo trên địa bàn; thiết lập các chốt kiểm dịch, kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển gia súc; tổ chức tiêu hủy, chôn lấp heo bị dịch bệnh đúng quy trình, quy định, bảo đảm vệ sinh môi trường, ngăn ngừa lây lan qua địa bàn khác. Huyện cũng đã khuyến cáo người chăn nuôi cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa: tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại; không nên tái đàn ngay sau khi bị ảnh hưởng dịch bệnh…

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.