Multimedia Đọc Báo in

Chống thất thu thuế hoạt động kinh doanh xăng dầu: Minh bạch nguồn gốc hàng hóa

09:12, 09/08/2019

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị 01/2016/CT-UBND ngày 5-4-2016 về việc tăng cường các biện pháp quản lý nguồn thu và chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu (Chỉ thị 01) đã mang lại hiệu quả rõ rệt khi người tiêu dùng và người kinh doanh ý thức được vấn đề sử dụng xăng dầu có nguồn gốc rõ ràng gắn với việc đóng góp nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Là đơn vị chủ đạo trong việc thực hiện Chỉ thị 01, ngành Thuế đã triển khai đồng bộ tại các chi cục thuế khu vực, huyện, thành phố và tạo được sự đồng thuận từ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng.

Cụ thể, toàn tỉnh có 6 doanh nghiệp xuất nhập khẩu nộp thuế Bảo vệ môi trường cho tỉnh là Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên; Chi nhánh Công ty Cổ phần xăng dầu, dầu khí Vũng Tàu tại Đắk Lắk; Chi nhánh Công ty Cổ phần xăng dầu, dầu khí Phú Yên tại Đắk Lắk; Chi nhánh Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ - TNHH MTV tại Đắk Lắk; Chi nhánh Công ty TNHH MTV Nhiên liệu hàng không Việt Nam tại Đắk Lắk; Chi nhánh Công ty TNHH Dương Đông - Tây Nguyên tại Đắk Lắk. Hiện một số địa phương có 100% doanh nghiệp bán lẻ mua xăng dầu từ nguồn hàng của 6 doanh nghiệp đầu mối nói trên như huyện Ea Súp, Cư M’gar…

Cán bộ Chi cục Thuế huyện Ea Súp kiểm tra thực tế tại một cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.
Cán bộ Chi cục Thuế huyện Ea Súp kiểm tra thực tế tại một cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.

Ông Nguyễn Ngọc Minh, chủ một cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp cho hay, qua đối thoại, hỗ trợ thông tin từ ngành Thuế, ông được tiếp cận thêm nhiều nguồn hàng từ danh sách các doanh nghiệp đăng ký nộp thuế bảo vệ môi trường cho tỉnh. Từ đó, đơn vị đã lựa chọn và mua xăng dầu tại một doanh nghiệp thích hợp nhất với điều kiện kinh doanh của mình với mong muốn đóng góp số tiền thuế từ lượng xăng dầu tiêu thụ hằng ngày tại cửa hàng vào ngân sách tỉnh. Đặc biệt, sự giám sát của ngành chức năng theo phân cấp giúp doanh nghiệp yên tâm hơn trong việc lựa chọn nhà cung cấp và chất lượng xăng dầu mình kinh doanh.

Song hành với việc vận động, khuyến khích, kết nối tiêu thụ xăng dầu gắn với nghĩa vụ đóng góp ngân sách cho tỉnh để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo phân cấp, ngành Thuế còn thực hiện các biện pháp nghiệp vụ liên quan để chống thất thu ngân sách nhà nước.

Cụ thể là tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị kinh doanh xăng dầu có rủi ro cao về thuế; quản lý chặt chẽ và thực hiện dán tem tại các cột bơm xăng dầu của các doanh nghiệp; phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ) tổ chức kiểm tra phương tiện đo xăng dầu; phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh, Cảnh sát giao thông tỉnh và các ngành chức năng tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện chế độ hóa đơn chứng từ đối với mặt hàng xăng dầu lưu thông trên địa bàn.

Theo số liệu mới nhất, từ đầu năm đến nay ngành Thuế kiểm tra tem niêm phong 34 lượt doanh nghiệp, tương ứng với 190 con tem; kiểm tra việc dán tem niêm phong và chốt chỉ số công tơ trên cột đo xăng dầu 255 doanh nghiệp; giám sát hồ sơ khai thuế 314 lượt doanh nghiệp với 583 hồ sơ khai thuế, trong đó chấp nhận 573 hồ sơ, yêu cầu thông báo giải trình 10 hồ sơ, kết quả giải trình và yêu cầu đơn vị kê khai bổ sung tăng 67 triệu đồng; kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế 40/310 đơn vị kinh doanh xăng dầu, tổng số tiền thuế truy thu và phạt hơn 1 tỷ đồng…

Số lượng xăng dầu tiêu thụ trên địa bàn tỉnh có đóng thuế Bảo vệ môi trường trong 7 tháng đầu năm 2019 là 137,4 triệu lít, tăng gần 26,4 triệu lít so với cùng kỳ năm 2018.

Nhờ hiểu rõ và tự giác thực hiện Chỉ thị 01 từ người dân, doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp bán buôn và doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu mà nguồn thu ngân sách từ thuế Bảo vệ môi trường thông qua hoạt động kinh doanh xăng dầu tăng liên tục qua các năm.

Cụ thể, năm 2015 (trước khi triển khai thực hiện Chỉ thị 01) toàn tỉnh thu về 218 tỷ đồng tiền thuế Bảo vệ môi trường; năm 2016 tăng thêm hơn 114 tỷ đồng (bằng 152% so với năm 2015); năm 2017 tăng thêm gần 48 tỷ đồng (bằng 114% so với năm 2016). Riêng 7 tháng đầu năm 2019 là hơn 390 tỷ đồng, bằng 156% so với cùng kỳ năm 2018, số tăng tuyệt đối 140 tỷ đồng. Theo phân tích của ngành Thuế, sở dĩ số thu ngân sách tăng mạnh do tăng về số lượng xăng dầu có đóng thuế Bảo vệ môi trường cho tỉnh và chênh lệch tăng thuế hơn 130 triệu lít xăng dầu (tương ứng gần 83 tỷ đồng).

Cán bộ Cục Thuế đối thoại với một doanh nghiệp ở TP. Buôn Ma Thuột về chủ trương khuyến khích doanh nghiệp mua xăng dầu tại doanh nghiệp đầu mối đăng ký nộp thuế bảo vệ môi trường.
Cán bộ Cục Thuế đối thoại với một doanh nghiệp ở TP. Buôn Ma Thuột về chủ trương khuyến khích doanh nghiệp mua xăng dầu tại doanh nghiệp đầu mối đăng ký nộp thuế bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đó vẫn còn những tồn tại như vẫn có một số doanh nghiệp chưa mua hàng của các doanh nghiệp đã kê khai và nộp thuế bảo vệ môi trường cho tỉnh; công tác phối hợp giữa các sở, ngành liên quan khi thực hiện công tác thanh, kiểm tra theo quy định chưa chặt chẽ... Hiện tại, Cục Thuế đang rà soát lại những công việc có liên quan đến công tác quản lý của các sở, ngành để tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung theo chức năng, nhiệm vụ liên quan nhằm bảo đảm tính cơ động, linh hoạt khi thực hiện.

Ông Nguyễn Công Tùng, Trưởng Phòng Thanh tra Kiểm tra 2, Cục Thuế tỉnh cho biết, thời gian tới đơn vị sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, phân tích đánh giá hồ sơ khai thuế, tình hình hoạt động kinh doanh của những doanh nghiệp cùng quy mô, địa bàn nhưng khai thuế có chênh lệch, đề xuất kiểm tra, thanh tra đột xuất. Đồng thời tiếp tục rà soát lại các doanh nghiệp bán lẻ và các đơn vị bán buôn xăng dầu đã đăng ký mua hàng của các doanh nghiệp đầu mối nhằm giám sát, đối chiếu, tránh tình trạng doanh nghiệp đã đăng ký nhưng không thực hiện…

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.