Multimedia Đọc Báo in

Dấu ấn tín dụng chính sách ở Krông Bông

08:15, 08/08/2019
Nhờ phát huy tốt các nguồn vốn ưu đãi, những năm qua, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Krông Bông đã có chuyển biến rõ rệt, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 
Cải thiện cuộc sống người dân
 
Để thực hiện tốt những chính sách ưu đãi, đưa nguồn vốn vay đến các hộ dân, thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Krông Bông đã phối hợp với các hội đoàn thể và các tổ, nhóm giao dịch tại cơ sở trong hoạt động tín chấp cho hội viên vay vốn.

Chị Trần Thị Lan (thôn Thanh Phú, xã Hòa Sơn) chia sẻ: “Gia đình tôi chỉ làm nghề nông nhưng quỹ đất không nhiều nên thường xuyên phải đi làm thuê, trước đây nhà cứ nghèo mãi. Nhờ được NHCSXH cho vay vốn hộ nghèo thì mới có ít vốn đầu tư sửa sang vườn tược, phát triển mô hình nuôi bò, vừa để tận dụng khả năng của đất, vừa tận dụng sức lao động của mình. Hai năm trước gia đình tôi thoát nghèo rồi, giờ được vay vốn chương trình hộ mới thoát nghèo, thế là không đứt vốn, chúng tôi yên tâm cố gắng lao động sản xuất”.

Chị Nguyễn Thị Tài, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn cho hay, 17 năm nay, vốn chính sách đã giúp các gia đình tổ viên cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cũng như nâng cao vị thế của mình trong xã hội. Ví dụ như chị Lan được cho vay rất đúng lúc chị đang cần tiền để cải tạo đất trồng cỏ, mua thêm bò để phát triển mô hình nuôi bò nhốt nên đã thoát nghèo thành công.

Người dân đến giao dịch tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Bông.
Người dân đến giao dịch tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Bông.
 
Theo ông Nguyễn Đình Sâm, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn, những năm qua, thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, ngày 4-10-2002 của Chính phủ “Về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác”, đến nay tổng dư nợ của NHCSXH trên địa bàn xã đã lên đến 41 tỷ đồng. Nguồn vốn này ngày càng đáp ứng nhu cầu về vốn sản xuất của người dân. “Chúng tôi cũng mong bên cạnh việc nâng mức vay và thời gian vay, Chính phủ cũng mở rộng đối tượng vay một số chương trình, để thêm nhiều hộ dân có điều kiện phát triển kinh tế bền vững”, ông Sâm nói.
 
Chuyển biến về nhận thức
 
Theo Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Krông Bông Nguyễn Thị Bích Thảo, sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi mà cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp dành cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện đã đạt hiệu quả rõ rệt.

Công tác phối hợp giữa NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, chất lượng ủy thác ngày càng được nâng cao. Một điều có thể nhận thấy rõ đó là nhận thức, tư tưởng và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể trong việc đẩy mạnh hoạt động tín dụng chính sách xã hội cũng như hoạt động của NHCSXH trên địa bàn huyện ngày càng sâu sắc hơn.

Gia đình chị Trần Thị Lan (thôn Thanh Phú, xã Hòa Sơn) thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi.
Gia đình chị Trần Thị Lan (thôn Thanh Phú, xã Hòa Sơn) thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi.
 
Bên cạnh đó, việc thực hiện giao dịch tại 14/14 điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND cấp xã, thị trấn; 287 Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại các thôn, buôn, tổ dân phố đã góp phần công khai được những chính sách tín dụng của Nhà nước, danh sách hộ vay vốn và các quy trình thủ tục của NHCSXH. Người vay giao dịch trực tiếp với NHCSXH vào ngày cố định hằng tháng để vay vốn, trả nợ, gửi tiền tiết kiệm, trước sự chứng kiến của cán bộ tổ chức chính trị - xã hội, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn và chính quyền địa phương.
 
Không chỉ thực hiện tốt công tác cho vay, nâng cao chất lượng tín dụng, những năm qua, các hội đoàn thể còn thực hiện tốt công tác vận động nhân dân tham gia gửi tiết kiệm qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, nhằm tạo ý thức cho hội viên tiết kiệm hằng tháng, làm quen với các dịch vụ tài chính, từ đó tạo thêm nguồn vốn để tái đầu tư sản xuất kinh doanh. Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng số dư tiền gửi tiết kiệm của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn đạt hơn 11,3 tỷ đồng, bằng 100,32% kế hoạch, tăng 246 triệu đồng so với năm 2018.
 
Quan trọng hơn cả, từ nguồn vốn vay ưu đãi đã tạo động lực, khuyến khích các hộ nghèo chủ động phát triển sản xuất, mở rộng đầu tư kinh doanh vươn lên thoát nghèo; học sinh, sinh viên tiếp tục có điều kiện đi học. Đồng thời, nguồn vốn tín dụng phát huy được hiệu quả đã tạo được lòng tin của nhân dân đối với các chính sách của Đảng, Nhà nước và hoạt động của NHCSXH. Chính quyền cơ sở cũng có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với người dân, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân, góp phần giữ vững ổn định an ninh, trật tự và an toàn xã hội tại cơ sở…
Trong 6 tháng đầu năm 2019, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Krông Bông đã tạo điều kiện cho gần 7.458 hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng khác tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi với tổng dư nợ hơn 381,1 tỷ đồng, đạt 98,34% kế hoạch, tăng 31,229 tỷ đồng so với 31-12-2018.

Khả Lê

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.