Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Cư Kty

08:53, 28/08/2019

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi nhiều diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, mía… và tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nhiều người dân xã Cư Kty (huyện Krông Bông) đã có thu nhập cao, từng bước cải thiện cuộc sống.

Sau nhiều năm loay hoay với cây sắn, 1,5 ha đất của gia anh Bùi Văn Nhì (thôn 4) dần cằn cỗi, cho năng suất, thu nhập thấp. Để tìm hướng đi mới cho kinh tế gia đình, anh chủ động tìm hiểu qua sách, báo và nhận thấy chất đất, khí hậu ở địa phương rất phù hợp với cây trồng có múi. Bên cạnh đó, thị trường ngày càng ưa chuộng sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Năm 2017, anh quyết định cải tạo lại đất để trồng 500 cây cam xoàn, 900 cây quýt đường và 200 cây bưởi da xanh theo hướng sản xuất hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và hạn chế phân bón hóa học. Đầu năm 2018, gia đình anh được Trạm Khuyến nông huyện Krông Bông hỗ trợ hệ thống tưới nước nhỏ giọt, giúp vườn cây ăn trái được cung cấp đủ nước và phát triển xanh tốt.

Anh Bùi Văn Nhì (thôn 4) bên vườn cây ăn trái của gia đình.
Anh Bùi Văn Nhì (thôn 4) bên vườn cây ăn trái của gia đình.

Thời điểm này, 500 cây cam của gia đình anh đang cho thu bói, chỉ mới đầu vụ anh đã thu hoạch được hơn 1 tấn cam, cung cấp cho thị trường trong huyện với giá bán 20 - 25 nghìn đồng/kg. Nhờ sản xuất theo hướng hữu cơ nên cam cho quả to, bóng và ngọt, được khách hàng đánh giá cao. Còn một tháng nữa cây quýt đường sẽ cho thu hoạch, anh ước tính vụ này gia đình sẽ thu được hơn 3 tấn cam, quýt. Với giá bán hiện tại, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lãi được 60 - 70 triệu đồng. Mô hình của gia đình anh Nhì được đánh giá phát triển rất hiệu quả và sẽ mang lại lợi nhuận kinh tế cao trong thời gian tới.

Ngoài phát triển cây ăn trái, cây mía cũng là loại cây trồng mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Được sự hỗ trợ về giống, kỹ thuật, phân bón cũng như bao tiêu sản phẩm từ Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình trên địa bàn, gia đình anh Nguyễn Công Thân (thôn 2) đã chuyển đổi 1 ha đất trồng ngô, đậu sang trồng mía. Trung bình mỗi vụ gia đình anh thu được hơn 100 tấn mía, với giá bán 800 - 900 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, thu lãi 50 - 60 triệu đồng. Anh Thân chia sẻ, trồng mía đầu tư ít, không đòi hỏi nhiều công lao động, trồng năm đầu có thể lưu gốc tiếp tục thu hoạch thêm 3 - 4 năm nữa. Ngoài ra, cây mía thường có đầu ra ổn định, nên người dân có nguồn thu cao từ cây trồng này.

Vườn mía của gia đình anh Nguyễn Công Thân (thôn 2) phát triển xanh tốt.
Vườn mía của gia đình anh Nguyễn Công Thân (thôn 2) phát triển xanh tốt.

Ông Nguyễn Thanh Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Kty cho biết, hiện tại toàn xã có 205 ha mía và 42 ha trồng cây ăn quả các loại như: cam, quýt, sầu riêng, mãng cầu, mít... Ngoài ra, xã còn triển khai trồng giống lúa thơm RVT với diện tích 30 ha, bước đầu mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh việc vận động người dân chuyển đổi cây trồng, khuyến khích trồng xen canh các loại cây có giá trị kinh tế cao, xã còn mở các lớp tập huấn, hội thảo, hỗ trợ người dân sản xuất. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục phối hợp với Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình để duy trì, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm và triển khai, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương.

Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.