Multimedia Đọc Báo in

Hội chợ thương mại nông sản Krông Pắc năm 2019: Cơ hội mở cho nông sản địa phương

08:05, 29/08/2019

Hội chợ thương mại nông sản Krông Pắc năm 2019 được tổ chức từ ngày 12 đến 18-8-2019 tại Quảng trường thị trấn Phước An (huyện Krông Pắc) đã gặt hái được những thành công nhất định khi nhận được sự ủng hộ tích cực của người dân.

Chị Trần Thị Ngọc Hiếu (xã Ea Yông) cho biết, các mặt hàng tại hội chợ rất đa dạng từ vật dụng nhà bếp, hóa mỹ phẩm đến nông sản địa phương. Đặc biệt, hội chợ dành riêng một khu vực gồm 50 gian hàng để giới thiệu, bày bán các loại nông sản đặc sản do người dân địa phương sản xuất theo hướng an toàn, bền vững như bơ, sầu riêng, mắc ca, yến sào, cà phê, trà…

Qua thực tế tìm hiểu, đa phần các gian hàng đáp ứng được các yêu cầu của người tham quan như cung cấp đầy đủ thông tin về nơi sản xuất, quy trình chế biến, bảo quản, vận chuyển, thử nếm sản phẩm… Thậm chí, nhiều gian hàng còn ngỏ lời mời chị đến tham quan nơi sản xuất sau hội chợ. Điều này không mới trong chiến lược marketing, nhưng chứng tỏ người sản xuất ở địa phương thực sự đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, chuyên tâm hơn trong sản xuất và tự tin về quy trình sản xuất và chất lượng nông sản mình làm ra. Chính điều này đã thuyết phục chị Hiếu tìm hiểu, mua bơ Hass, sầu riêng, tổ yến của các đơn vị tham gia và kết nối với những người có nhu cầu tương đồng để họ ủng hộ nông sản địa phương.

Người dân tham quan gian hàng yến sào tại hội chợ.
Người dân tham quan gian hàng yến sào tại hội chợ.

Hội chợ thương mại nông sản Krông Pắc năm 2019 được tổ chức với mục tiêu giới thiệu, quảng bá sự đặc sắc, phong phú của các loại nông sản và là nơi tôn vinh thành quả lao động của nông dân trên địa bàn huyện, tạo cơ hội để người dân liên kết, hợp tác sản xuất, kinh doanh. Do đó, các đơn vị tham gia hội chợ đã thực hiện khâu chuẩn bị khá chu đáo để tận dụng tốt cơ hội này.

Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp xanh sầu riêng, bơ Krông Pắc được thành lập tháng 5-2018, với 8 thành viên. Hiện tại HTX đang quản lý khoảng 450 ha cây ăn quả các loại như sầu riêng Dona, Ri 6, bơ Both, bơ Hass, bơ Sáp xen canh cà phê, với tổng sản lượng khoảng 300 tấn, trong đó có 400 ha sầu riêng liên kết của các hộ dân trên địa bàn tỉnh.

Ông Mai Minh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX cho biết, ngay sau khi nhận được thông báo về tổ chức hội chợ nông sản, Hội đồng quản trị HTX đã tổ chức họp các thành viên để phổ biến thông tin và nắm tình hình sản xuất của các hộ thành viên. Qua đó, xây dựng kế hoạch cụ thể để bảo đảm luôn có sản phẩm sầu riêng, bơ có thể sử dụng ngay và sản phẩm đủ già nhưng chưa chín để có thể vận chuyển đi xa.

Những năm gần đây, nhờ sự tiếp sức của ngành chức năng và nỗ lực tự thân của các thành viên trong HTX mà các thành viên đang dần chuyển từ sản xuất truyền thống mạnh ai nấy làm sang sản xuất theo hướng an toàn bền vững, phấn đấu đạt Chứng nhận VietGAP, Global GAP trong thời gian sớm nhất có thể. Vì thế, ngoài bày bán dưới dạng trái cây tươi nguyên quả thì HTX còn chú trọng khâu chế biến sau thu hoạch dưới dạng cấp đông, sấy, làm kem phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Kết thúc Hội chợ thương mại nông sản Krông Pắc năm 2019 đã có khoảng 6.000 lượt khách tham quan, mua sắm; doanh số bán hàng hơn 300 triệu đồng.

Tương tự, chị Phan Thị Phương Dung chủ Cơ sở Yến sào Thành Dung (thị trấn Phước An) cho biết, chị tham gia nuôi yến hơn 4 năm nay. Hiện tại, bình quân mỗi tháng chị thu về hơn 10 kg tổ yến thô, tổng thu nhập bình quân khoảng 200 triệu đồng/tháng. Nuôi yến tuy chi phí đầu tư ban đầu lớn nhưng lượng nhân công duy trì thấp, tổ yến có thể sơ chế, chế biến thành nhiều loại thực phẩm khác nhau và đang được người tiêu dùng ưa chuộng. Vì thế, chị tham gia hội chợ với tâm thế quảng bá sản phẩm và mong muốn kết nối với các hộ nuôi yến khác trên địa bàn để xúc tiến thành lập HTX nuôi yến.

Người dân thích thú lựa chọn sầu riêng tại hội chợ.
Người dân thích thú lựa chọn sầu riêng tại hội chợ.

Theo thống kê, toàn huyện Krông Pắc hiện có 43.698 ha đất sản xuất nông nghiệp, chiếm 69,8% tổng diện tích tự nhiên. Riêng diện tích cây lâu năm là 23.958 ha, trong đó có 2.630 ha cây ăn quả xen canh, 18.000 ha cà phê, 1.426 ha hồ tiêu, 745 ha điều… Năm 2019, huyện phối hợp với các đơn vị chứng nhận chất lượng triển khai đề án lập cổng thông tin truy xuất nguồn gốc, chứng nhận VietGAP cho gần 400 ha của 310 hộ dân trên địa bàn.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện cho biết, mặc dù kết quả hội chợ chưa hình thành rõ nét nhưng đây là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại trọng yếu trong năm nhằm quảng bá, kết nối, xúc tiến thương mại cho các nông sản địa phương trong bối cảnh gặp khó về đầu ra. Đặc biệt, đây cũng là cơ sở, tiền đề để bốn nhà (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp) cùng nhìn nhận lại chặng đường phát triển của ngành Nông nghiệp địa phương và có những sự điều chỉnh nhất định trong tiến trình phát triển để có thể phát huy thế mạnh, đón đầu thị trường trong tương lai.

Thanh Hường

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.