Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư Kuin: Nỗ lực khắc phục hậu quả sau mưa lũ

09:06, 16/08/2019

Cư Kuin là một trong tám địa phương bị ảnh hưởng nặng do đợt mưa lũ vừa qua trên địa bàn tỉnh. Hiện nước lũ ở nhiều khu vực vẫn chưa rút hết đã gây không ít khó khăn cho công tác khắc phục.

Hàng trăm ha lúa mất trắng

Cũng như nhiều địa phương trong tỉnh, từ ngày 6 đến 9-8, trên địa bàn huyện Cư Kuin có mưa to và rất to trên diện rộng, với lượng mưa cao nhất vào ngày 8-8 là 147 mm. Mưa lớn gây ngập nhiều nhà ở, giếng nước và đất sản xuất nông nghiệp của các hộ dân trên địa bàn xã Dray Bhăng, Ea Hu, Ea Ning, Hòa Hiệp, Ea Bhốk và Ea Tiêu, có nơi ngập sâu từ 0,6 - 1 m.

Nước sông Krông Ana liên tục dâng cao khiến hơn 900 ha đất sản xuất nông nghiệp ngập nặng, hàng trăm ha lúa mất trắng. Những cánh đồng lúa đang kỳ trổ bông nay chỉ lác đác vài người dân đi rà cá vớt vát chút thực phẩm cải thiện bữa ăn.

Các diện tích lúa nước ngập nặng tại cánh đồng thôn 1, xã Ea Hu bị thiệt hại hoàn toàn.
Các diện tích lúa nước ngập nặng tại cánh đồng thôn 1, xã Ea Hu bị thiệt hại hoàn toàn.

Tại cánh đồng thôn 1, xã Ea Hu, sau gần 1 tuần ngập úng, nước vẫn còn phủ trọn ngọn lúa tại những chân ruộng trũng nhất. Các chân ruộng cao hơn, nước chỉ mới rút cách ngọn lúa hơn 20 cm, nhiều diện tích đã úa vàng dù gần 1 tháng nữa mới đến thời điểm thu hoạch. Ông Nguyễn Tấn Kế canh tác 1,5 ha tại cánh đồng thôn 1 cho biết, ông đã đầu tư hơn 20 triệu đồng tiền giống, phân bón, thuê cày đất... Nếu thời tiết thuận lợi, chỉ khoảng 25 ngày nữa ông sẽ thu hoạch với năng suất dự kiến đạt trên 7 tấn/ha, lãi ít nhất 30 triệu đồng.

Tuy nhiên, lũ lụt lại đến sớm hơn mọi năm, nhấn chìm cả ruộng lúa trong 5 ngày liên tục. Khi nước tạm rút, ông kiểm tra bông lúa thấy toàn bộ bị lép, hạt không còn mọng sữa, xem như trắng tay trong vụ hè thu này. May mắn hơn ông Kế, phần diện tích canh tác lúa của anh Nguyễn Văn Nam (thôn 1, xã Ea Hu) chỉ bị ngập úng trong khoảng 3 ngày. Sau khi nước rút, anh liên tục kiểm tra ruộng để kịp thời phát hiện và xử lý các dấu hiệu bệnh hại, hy vọng vớt vát được khoảng 50% sản lượng.

Xã Ea Hu là địa phương có diện tích lúa ngập úng lớn nhất trên địa bàn huyện Cư Kuin với 309 ha, trong đó có đến 269 ha thiệt hại trên 70%, 40 ha thiệt hại từ 30 – 70% so với năng suất dự kiến. Riêng cánh đồng thôn 1, diện tích ngập úng đã lên đến 150 ha. Nước lên nhanh, ngập sâu, nông dân chỉ biết khóc ròng vì không còn cách nào cứu lúa.

Đi dọc các cánh đồng Tràn Si (xã Hòa Hiệp), cánh đồng Lọ Nhưm (xã Ea Bhốk) nước vẫn còn lênh láng tương tự cánh đồng thôn 1, xã Ea Hu. Theo ông Nguyễn Cảnh Danh, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Cư Kuin, phần lớn diện tích lúa ngập úng là những cánh đồng dọc sông Krông Ana. Do chưa xây dựng được hệ thống đê bao, kè chắn lũ nên việc rút nước tại các cánh đồng này hoàn toàn phụ thuộc vào mực nước sông. Vì vậy, dù đợt mưa lớn đã ngớt từ ngày 9-8, nhưng nước sông Krông Ana hiện vẫn rút chậm khiến công tác khắc phục hậu quả thiên tai gặp nhiều trở ngại.

Nỗ lực hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả

Theo Phòng NN-PTNT huyện Cư Kuin, đợt mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại khá nặng nề cho địa phương về sản xuất và kết cấu hạ tầng. Cụ thể, 143 hộ dân bị ngập và phải di dời khẩn cấp 28 hộ; có gần 910 ha cây trồng bị thiệt hại, trong đó lúa nước trên 741 ha, hầu hết bị thiệt hại hoàn toàn, 8,5 ha màu bị thiệt hại trên 70%, 158 ha cây công nghiệp lâu năm bị thiệt hại từ 30 - 70%; 5 công trình thủy lợi, cùng nhiều hệ thống kênh mương, cống bị hư hỏng; nhiều đoạn đường giao thông hư hại nghiêm trọng… Tổng thiệt hại ước tính hơn 59 tỷ đồng.

Cống thoát nước tại đường giao thông buôn Kpung (xã Hòa Hiệp) sạt lở nặng do mưa lũ.
Cống thoát nước tại đường giao thông buôn Kpung (xã Hòa Hiệp) sạt lở nặng do mưa lũ.

Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện, Ban Chỉ huy Quân sự, Công an huyện chủ động phối hợp Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các xã theo dõi, bám sát địa bàn, huy động lực lượng hơn 300 người tham gia hướng dẫn người dân không tham gia giao thông vào các tuyến đường đang xảy ra ngập lụt như đoạn đường giao thông tỉnh lộ 10 (đoạn qua Trung tâm hành chính huyện), trên Quốc lộ 27 (đoạn qua Trường THPT Y Jút, xã Ea Bhốk và đoạn qua chợ Trung Hòa), đập hồ Ea Tlá 1; hỗ trợ di dời nhà dân vùng có nguy cơ sạt lở đất và lũ quét tại xã Hòa Hiệp, Dray Bhăng, Ea Bhốk.

Đến nay các địa phương đang tích cực khắc phục hậu quả theo phương châm “4 tại chỗ”, huy động lực lượng giúp đỡ người dân sửa chữa lại nhà ở, đào kênh tiêu nước mặt đối với đất sản xuất cây lâu năm. Riêng đối với đất trồng cây lúa nước, nước sông Krông Ana còn cao chưa có phương án khắc phục.

Ngành nông nghiệp huyện Cư Kuin cũng đang tích cực bám địa bàn, rà soát thiệt hại và hướng dẫn bà con nông dân thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như: rửa bùn trên lá tạo thuận lợi cho cây quang hợp, bón phân có hàm lượng kali cao và các chất hỗ trợ sinh trưởng, tăng đề kháng, phòng trừ các loại nấm bệnh, dịch hại cho cây trồng...

Đối với các diện tích hoa màu thiệt hại nặng, nông dân cần nhanh chóng tận thu sản phẩm, vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị đất để gieo trồng lại những loại rau ngắn ngày, rau ưa nước để tạo nguồn thu nhập. Riêng về kinh phí hỗ trợ nông dân bị thiệt hại, huyện đang thống kê danh sách cụ thể, đề nghị cấp trên bố trí kinh phí, giúp nông dân nhanh chóng khắc phục hậu quả sau thiên tai.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Cư Kuin, vụ hè thu 2019, toàn huyện đã gieo trồng 4.989 ha cây trồng các loại, đạt 100% kế hoạch. Trong đó, lúa nước hơn 3.000 ha, sản lượng dự kiến gần 20.000 tấn. Tuy nhiên, với tình hình ngập lụt như hiện nay thì khả năng sẽ không đạt kế hoạch đề ra.


Minh Thuận - Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.