Multimedia Đọc Báo in

Nông dân vùng chuyên canh lúa "khóc ròng" vì lũ!

09:24, 12/08/2019

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và áp thấp nhiệt đới trong những ngày qua, nước sông Krông Ana dâng cao, hàng nghìn héc-ta lúa nước tại huyện Lắk  và Krông Ana  bị nhấn chìm, trong đó nhiều diện tích đối mặt với nguy cơ mất trắng hoàn toàn.

Nguy cơ mất trắng

Các xã Buôn Triết và Buôn Tría (huyện Lắk) có gần 80% người dân phát triển kinh tế nhờ trồng lúa nước. Tuy nhiên, mưa lũ lớn vừa rồi làm ngập diện tích lúa đang thời kỳ làm đòng, trổ bông khiến nhiều người dân tại đây lâm vào cảnh trắng tay sau lũ. Tại xã Buôn Tría, vụ hè thu năm nay có tổng diện tích gieo sạ 920 ha, đã bị ngập hẳn 841 ha, chủ yếu tập trung tại các thôn Liên Kết 1, Liên Kết 2, Liên Kết 3, Tân Giang, Đông Giang 1… Còn lại 79 ha hiện đang bị ngập nhẹ, trong những ngày tiếp theo nếu mưa tiếp tục diễn ra, nước sông dâng cao thì khả năng ngập hoàn toàn khó tránh khỏi. Người dân ở đây như đang “ngồi trên đống lửa”, không còn hy vọng gì vào vụ lúa này.

Nhìn cánh đồng lúa đang làm đòng, trổ bông ngập chìm trong nước, anh Nguyễn Trọng Hải (thôn Liên Kết 2, xã Buôn Tría) buồn bã nói: “Kinh tế của gia đình tôi phụ thuộc vào 3 ha lúa nên từ khi mưa xảy ra, tôi thường xuyên ra thăm ruộng, với hy vọng nước rút nhanh, ruộng không bị ngập. Không ngờ sau tối 8-8, mưa to kéo dài khiến cả cánh đồng chìm hẳn. Những năm trước, mưa lũ kéo dài cả tuần nhưng lúa còn có thể thu hoạch được 30 – 70% để có thêm thu nhập. Còn năm nay, mới mưa 3 ngày đã mất trắng”.

Tương tự, anh Nguyễn Khắc Mạnh (thôn Liên Kết 2, xã Buôn Tría) cho hay, gia đình anh có 5 ha lúa, tất cả đều ngập chìm trong biển nước trắng xóa. Vụ đông xuân vừa qua gia đình anh đã phải gieo sạ lại do ngập úng, những tưởng vụ này được mùa vớt vát lại thì mưa ngập chìm hết khi lúa đang trong thời kỳ trổ bông, thiệt hại 100% không có khả năng phục hồi. Từ đầu vụ đến nay, gia đình anh Mạnh đã bỏ ra hơn 50 triệu đồng tiền giống, chi phí phân bón, chưa kể bỏ ra bao nhiêu công sức… Vậy mà cơn lũ đã quét đi không còn chút hy vọng nào đối với trà lúa này.

"Tôi dự tính, sau khi thu hoạch lúa sẽ trả được một phần nợ nhưng giờ nợ chuẩn bị đến ngày trả mà lúa thì không còn khiến gia đình tôi rất lao đao”, anh Mạnh chia sẻ.

Nông dân xã Bình Hòa (huyện Krông Ana) gặt lúa chạy lũ.
Nông dân xã Bình Hòa (huyện Krông Ana) gặt lúa chạy lũ.

Tại xã Buôn Triết, vụ hè thu năm nay gieo sạ khoảng 2.000 ha lúa nước, tính đến thời điểm này toàn xã có khoảng 1.300 ha bị ảnh hưởng, trong đó 1.200 ha đối mặt với nguy cơ mất trắng hoàn toàn nếu nước không rút nhanh. Anh Nguyễn Mạnh Cường (thôn Đoàn Kết 2) buồn bã cho hay, 3 ha lúa của gia đình anh ở vị trí cao nên ít khi bị ngập lụt. Thế nhưng năm nay, mưa xảy ra hơn 3 ngày làm toàn bộ diện tích lúa đã bị ngập chìm, khả năng cứu vãn là rất khó bởi lúa đang thời kỳ trổ bông.

Nông dân vớt lúa chạy lũ

Tại xã Bình Hòa, vùng sản xuất lúa lớn của huyện Krông Ana, bà con nông dân đang tất bật mượn, thuê người cắt lúa để vớt vát được chừng nào hay chừng đó. Giọng run bần bật vì từ sáng tới trưa dầm mình trong nước lũ, vừa đói, vừa lạnh, ông Võ Văn Phước (thôn 6) buồn rầu cho biết, nhà có 1 ha lúa ở vùng thấp trũng, qua 2 ngày mưa (ngày 6 và ngày 7-8) toàn bộ diện tích lúa bị chìm nghỉm. Nước sông Krông Ana ngày càng dâng cao, từ ngày 8-8, ông đã phải mượn bà con và thuê công vớt lúa. Trong 2 ngày nhà ông đã thuê hết 50 công mà lúa chưa gặt và vận chuyển hết, bắt đầu nghe mùi lúa úng.

Trong khi đó, nhà anh Nguyễn Văn Linh (thôn 1) có 1,5 ha bên cánh đồng Bàu Gai đang trong thời kỳ ngậm sữa, có thửa tỷ lệ chín chỉ được 50%, nhưng anh phải thuê người gặt chạy lũ để cố gắng vớt vát. Anh tâm sự, biết lúa còn non nhưng giờ không gặt thì coi như mất trắng. Gặt lúa này về may ra gặp thời tiết nắng phơi khô để nghiền làm thức ăn chăn nuôi.

Còn trường hợp hộ chị Võ Thị Ly (thôn 6), với 1 ha nhưng chị đã thuê hết 25 công nhật cũng chỉ mới thu hoạch được một nửa diện tích. Số diện tích còn lại chấp nhận mất trắng, người nhà không đủ sức làm, thuê công họ cũng từ chối vì nước dâng quá cao. Ông Hồ Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa cho biết, vụ hè thu năm nay toàn xã gieo sạ hơn 1.800 ha lúa nước, đợt lũ vừa qua làm ngập lụt gần 100 ha. Địa phương đã khuyến cáo bà con thuê công thu hoạch đối với những ruộng có tỷ lệ chín tương đối để tránh tình trạng nước rút chậm, lúa thối úng.

Cánh đồng xã Buôn Triết (huyện Lắk) ngập chìm trong nước lũ.
Cánh đồng xã Buôn Triết (huyện Lắk) ngập chìm trong nước lũ.

Không chỉ trắng tay đối với số diện tích bị ngập lụt, các diện tích lúa nước còn lại còn phải đối mặt với tình trạng sâu bọ, chuột đồng kéo lên phá hoại, có thể không cho thu hoạch hoặc năng suất kém hơn nhiều lần so với mọi năm khiến bà con nông dân thấp thỏm, lo lắng.

Theo thống kê sơ bộ, tính đến cuối ngày 9-8, tại huyện Krông Ana và Lắk có hơn 3.400 ha lúa nước bị ngập lũ. Trong đó, huyện Lắk có hơn 3.000 ha, huyện Krông Ana khoảng 300 ha. Tập trung nhiều ở các xã: Buôn Triết, Buôn Tría, Đắk Liêng (huyện Lắk); Dur Kmăl, Bình Hòa, thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana).

Hoàng Tuyết - Thùy Dung

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.