Multimedia Đọc Báo in

Trở thành triệu phú nhờ thay đổi tư duy sản xuất

08:58, 15/08/2019

Trước đây, trên diện tích 1 ha đất canh tác của gia đình, ông Chíu Dì Cắm (người dân tộc Dao ở thôn 6, xã Ea M’nang, huyện Cư M’gar) chủ yếu trồng ngô, đậu, sắn nên thu nhập thấp, cuộc sống vì thế gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn…

Thấy người dân địa phương trồng cà phê mang lại thu nhập cao, ông Cắm bàn bạc với gia đình học hỏi làm theo. Thời gian đầu, do thiếu kiến thức về trồng, chăm sóc cà phê, cộng với nguồn giống trồng không bảo đảm nên hiệu quả không cao, năng suất chỉ đạt khoảng 1,2 tấn/ha, lợi nhuận thấp song vẫn cao hơn trồng ngô, đậu trước đây. Để cải thiện năng suất cây trồng, ông Cắm đi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước và nghiên cứu thêm qua sách, báo để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Nhờ sự kiên trì đó, năng suất vườn cà phê ngày càng được cải thiện, đạt 3,5 tấn/ha.

Không dừng lại ở đó, nhận thấy cây hồ tiêu có giá trị kinh tế cao trên thị trường, những năm gần đây ông Cắm mạnh dạn trồng xen canh hàng trăm trụ tiêu trong vườn cà phê, tạo sự đa dạng cây trồng trên một đơn vị diện tích, giảm thiểu rủi ro do biến động của giá cả thị thường. Đối với diện tích cà phê cho năng suất thấp thì ông chặt bỏ một số để chuyển sang trồng hồ tiêu, một số thì tái canh để nâng cao chất lượng cây trồng. Nhờ biết lựa chọn giống phù hợp, cũng như chăm sóc đúng các biện pháp kỹ thuật nên cây hồ tiêu của gia đình phát triển tốt, hạn chế được sâu bệnh, cho hiệu quả kinh tế cao.

Ông Chíu Dì Cắm (bên phải) giới thiệu mô hình kinh tế của gia đình với hộ dân đến tham quan.
Ông Chíu Dì Cắm (bên phải) giới thiệu mô hình kinh tế của gia đình với hộ dân đến tham quan.

Hiện nay gia đình ông Chíu Dì Cắm đang có tổng diện tích canh tác lên đến 4,5 ha; trong đó, có 2,5 ha cà phê xen thêm 1.500 trụ tiêu; 2 ha lúa, ngô. Bình quân mỗi năm gia đình ông thu được 7 tấn cà phê/ha, 6 tấn tiêu và 4 tấn lúa… Với giá cả như hiện nay, sau khi trừ hết chi phí đầu tư, chăm sóc, nhân công..., gia đình ông vẫn có lãi từ 300 – 400 triệu đồng/năm; vào những thời điểm giá hồ tiêu ở mức cao thì thu nhập của gia đình đạt 700 – 800 triệu đồng mỗi năm, thậm chí lên đến gần 1 tỷ đồng/năm.

Nguồn thu nhập cao và ổn định đã giúp gia đình ông Cắm có cuộc sống khá giả, xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm được nhiều phương tiện sinh hoạt và sản xuất đắt tiền. Nhiều năm liền, ông được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi… Ông Chíu Dì Cắm chia sẻ: “Muốn thành công thì ngoài việc lao động chăm chỉ, người nông dân cần phải thay đổi tư duy, cách suy nghĩ, cách làm… Nếu mạnh dạn thay đổi và áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất thì thành công sẽ rất cao. Gia đình tôi mà cứ bám vào cây ngô, đậu như trước, không đa canh cây trồng trên một đơn vị diện tích thì chắc chắn sẽ không thể có cuộc sống ổn định như hiện nay”…

Không những làm kinh tế giỏi, ông Chíu Dì Cắm còn tích cực tham gia các phong trào, các hoạt động xã hội, nhân đạo từ thiện ở địa phương. Ông cũng là một trong những người đi đầu trong phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Mới đây, gia đình ông đã tự nguyện hiến khoảng 100 m2 đất, phá bỏ hàng chục trụ hồ tiêu và cây cà phê đang trong giai đoạn kinh doanh (trị giá hàng chục triệu đồng) để mở rộng đường liên thôn.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.