Multimedia Đọc Báo in

Lãng phí công trình cấp nước tập trung ở huyện Lắk

08:46, 11/09/2019

Huyện Lắk là một trong những địa phương được đầu tư xây dựng nhiều công trình nước sinh hoạt tập trung, phục vụ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, sau một thời gian đưa vào sử dụng, có đến 50% số công trình tại địa phương không hoạt động, gây lãng phí ngân sách.

UBND huyện Lắk cho biết, tính đến hết năm 2018, toàn huyện có 12.575 nguồn cấp nước nhỏ lẻ, cung cấp nước cho 57.938 người. Tỷ lệ số dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh chiếm hơn 88,5%. Giai đoạn 2012 – 2018, nhiều công trình nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn huyện đã và đang góp phần cải thiện mức sống cho người dân, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, giảm thiểu bệnh tật, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Song thực tế, toàn huyện có 14 công trình cấp nước tập trung thì 7 công trình không hoạt động, 3 công trình hoạt động kém hiệu quả và chỉ có 4 công trình hoạt động bền vững. Đơn cử như công trình nước tập trung tại buôn Dlây (xã Đắk Nuê) được đưa vào sử dụng năm 2010, cung cấp nước cho khoảng 1.000 người dân khu vực lân cận, hiện tại công trình này đã ngừng hoạt động.

Tương tự, công trình nước tập trung buôn Ung Rung 2 (xã Buôn Triết) được đưa vào sử dụng vào năm 2012, cấp nước cho hơn 200 người dân, nhưng hiện nay cũng trong tình trạng không hoạt động… Đáng chú ý, trong số 10 công trình nước tập trung do cộng đồng quản lý hầu hết đều trong tình trạng không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh kiểm tra nguồn cung cấp nước cho công trình nước tập trung tại xã Bông Krang.
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh kiểm tra nguồn cung cấp nước cho công trình nước tập trung tại xã Bông Krang.

Theo UBND huyện Lắk, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do phần lớn công trình được xây dựng từ lâu, công tác khảo sát và giải pháp thiết kế chưa tính đến những ảnh hưởng có khả năng làm giảm lưu lượng, trữ lượng nước mặt và nước ngầm do tác động của biến đổi khí hậu. Điều này dẫn tới tình trạng một số công trình cấp nước ngày càng thiếu nguồn nước.

Bên cạnh đó, thu nhập của người dân trên địa bàn huyện còn thấp, không đồng đều, do vậy nguồn thu phí sử dụng nước sạch không cao dẫn tới không đủ kinh phí để vận hành công trình. Chưa kể, hằng năm do ảnh hưởng của mưa lũ, một số hạng mục của các công trình bị cuốn trôi, hư hỏng, việc sửa chữa không kịp thời dẫn tới ngừng hoạt động.

Ông Y Bang Hđơk, Chủ tịch UBND huyện Lắk chỉ rõ, việc để các công trình nước tập trung không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả chủ yếu do nguyên nhân chủ quan. Chẳng hạn như công trình tại buôn Ung Rung 2 (xã Buôn Triết); công trình tại buôn Plao Siêng (xã Ea Rbin)… không hoạt động do người dân không chịu đóng tiền điện. Lỗi này thuộc về trách nhiệm của người quản lý, vận hành công trình. Trước hết, phải tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được công trình do Nhà nước xây dựng thì việc đóng tiền điện là nhiệm vụ của người sử dụng. Trong trường hợp khó khăn, vướng mắc thì phải tham mưu, xin ý kiến UBND huyện để kịp thời tháo gỡ, tránh lãng phí. Chỉ loại trừ công trình tại buôn M’liêng (xã Đắk Liêng) do nguồn nước nhiễm phèn thì đành chấp nhận, đây là nguyên nhân khách quan.

Công trình nước tập trung tại buôn Dlây (xã Đắk Nuê) bị bỏ hoang.
Công trình nước tập trung tại buôn Dlây (xã Đắk Nuê) bị bỏ hoang.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây tại buổi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn huyện Lắk giai đoạn 2012 – 2018, ông Y Khút Niê, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị huyện Lắk cần vận dụng tất cả những cơ chế để phát huy hiệu quả sử dụng của các công trình.

Bên cạnh đó, huyện cần tăng cường xã hội hóa đối với việc xây dựng công trình nước sạch vùng nông thôn, qua đó tạo điều kiện thuận lợi nhất về mặt pháp lý, cơ chế đối với nhà đầu tư. Đồng thời, phối hợp với ngân hàng trên địa bàn huyện để tạo điều kiện tốt nhất về nguồn vốn vay cho nhà đầu tư. Ngoài ra, việc tuyên truyền, vận động người dân trong việc sử dụng nước sạch có trả chi phí dịch vụ theo quy định cần được thực hiện tốt hơn, bởi ngân sách nhà nước không thể bao cấp mãi được.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Lắk chỉ có 4/14 công trình nước sinh hoạt tập trung hoạt động bền vững gồm: công trình tại buôn Dranh A (xã Đắk Liêng) đưa vào sử dụng năm 2016, tổng mức đầu tư gần 785 triệu đồng, do Phòng Dân tộc làm chủ đầu tư; và 3 công trình do Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường quản lý: công trình cấp nước cho 4 buôn, 7 thôn (xã Bông Krang), kinh phí hơn 10 tỷ đồng, đưa vào sử dụng năm 2018; công trình cấp nước tại xã Nam Ka, kinh phí 1,3 tỷ đồng, đưa vào sử dụng năm 2006 và công trình cấp nước xã Đắk Phơi, kinh phí hơn 7,8 tỷ đồng, được đưa vào sử dụng từ năm 2011.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.