Multimedia Đọc Báo in

Agribank Đắk Lắk: Điểm nhấn từ dịch vụ ngân hàng

09:29, 28/10/2019

Việc hình thành, cải tiến và phát triển các sản phẩm dịch vụ (SPDV) ngân hàng là điều kiện tiên quyết trong xu thế phát triển theo hướng hiện đại gắn với công nghệ số. Vì vậy, trong những năm vừa qua, Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) nói chung và Agribank Đắk Lắk nói riêng rất coi trọng việc phát triển đa dạng các SPDV ngân hàng.

Từ sản phẩm truyền thống

Hiện nay Agribank Đắk Lắk có 29 điểm giao dịch với khách hàng, gồm: 16 chi nhánh loại 2; 3 Phòng giao dịch trực thuộc tỉnh; 8 phòng giao dịch trực thuộc chi nhánh loại 2; 1 điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng; 1 điểm giao dịch tại Hội sở tỉnh. Cùng với hệ thống chi nhánh, PGD là 400 lao động được đào tạo căn bản về nghiệp vụ ngân hàng và có kinh nghiệm trong hoạt động trên địa bàn nông thôn.

Trên tinh thần đó, Agribank Đắk Lắk xác định lấy nông thôn làm thị trường chủ lực, nông dân làm đối tượng phục vụ và là mục tiêu hoạt động chính. Tận dụng lợi thế sẵn có về mạng lưới và con người, Agribank Đắk Lắk từng bước phát huy và khẳng định vị thế, vai trò chủ đạo trong huy động và cung ứng vốn tín dụng cho công cuộc phát triển lĩnh vực kinh tế này.

Đến nay, Agribank Đắk Lắk thực sự trở thành ngân hàng thương mại (NHTM) lớn nhất hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với mục tiêu đáp ứng được các yêu cầu về nguồn vốn đầu tư; nâng dần tỷ lệ hộ nông dân được tiếp cận vốn vay; đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ cho vay; mở rộng các hình thức cho vay tín chấp… trên nguyên tắc đảm bảo cho hệ thống tín dụng nông thôn hoạt động an toàn, hiệu quả.

Đến cuối tháng 9-2019 dư nợ cho vay đạt quy mô 11.409 tỷ đồng (bằng 97,1% kế hoạch năm), trong đó dư nợ cho vay phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn thường xuyên duy trì trên 90% tổng dư nợ. Đối tượng cho vay chủ lực của Agribank Đắk Lắk là hộ gia đình với 59.104 lượt hộ/cá nhân vay vốn; trong đó có 27.623 khách hàng là hộ nông dân sản xuất, thâm canh, chăm sóc cà phê, hồ tiêu và các loại cây trồng khác được tiếp cận vốn tín dụng, với dư nợ cho vay đạt trên 3.500  tỷ đồng.

Khách hàng sử dụng dịch vụ ATM của Agribank Đắk Lắk tại huyện M'Đrắk.
Khách hàng sử dụng dịch vụ ATM của Agribank Đắk Lắk tại huyện M'Đrắk.

Đến dịch vụ ngân hàng hiện đại

Từ năm 2009, Agribank đã xây dựng đề án phát triển SPDV trong môi trường tin học hóa, với phương châm: “Lấy hoạt động SPDV truyền thống làm nền tảng, kết hợp giữa SPDV truyền thống với SPDV mới một cách hài hòa trong toàn hệ thống, tạo bước đi vững chắc của ngân hàng hiện đại. Khẳng định vai trò của SPDV mới là mũi nhọn, vừa là hỗ trợ, vừa đồng hành vừa hậu thuẫn cho sản phẩm truyền thống; khẳng định sự đan xen của hệ thống SPDV ngân hàng, phát triển các sản phẩm truyền thống như tín dụng phải đi đôi với cung cấp các SPDV mới đi kèm. Phát triển SPDV gắn liền với công nghệ thông tin”.

Thực tế cho thấy, sự phát triển mạnh mẽ của các SPDV ngân hàng điện tử, kênh thanh toán hiện đại đã giúp người tiêu dùng thanh toán linh hoạt, tiện lợi hơn, dễ dàng quản lý ngân sách chi tiêu. Trong số đó, các sản phẩm ngân hàng điện tử và kênh thanh toán hiện đại của Agribank ngày càng được đông đảo khách hàng lựa chọn tin dùng như: Agribank E - Mobile Banking (cho phép khách hàng thực hiện nhiều dịch vụ về tài chính ngân hàng như: QR pay, chuyển khoản trong và ngoài hệ thống Agribank, mua sắm trực tuyến, nhận tiền kiều hối, đặt vé xe, vé tàu, vé máy bay, nạp tiền điện thoại trả trước, mua thẻ điện thoại, thanh toán hóa đơn, nộp tiền vào các ví điện tử và các dịch vụ phi tài chính ngân hàng như: trao đổi thông tin, thông tin vé máy bay, quản lý đầu tư, tra cứu thông tin...

Dịch vụ Internet Banking, cho phép khách hàng thực hiện các giao dịch tài chính trên mạng một cách nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi, an toàn). ATM Agribank thực sự trở thành một ngân hàng tự động, có thể xử lý nhiều nghiệp vụ vốn dĩ phải trực tiếp đến ngân hàng như chuyển khoản, thanh toán hóa đơn, gia hạn thẻ.

Song song với việc phát triển hệ thống kênh phân phối qua ATM/EDC/POS, đơn vị chú trọng phát triển khách hàng đăng ký sử dụng thẻ (thẻ ghi nợ nội địa, thẻ lập nghiệp, thẻ liên sinh viên, thẻ ghi nợ quốc tế, thẻ tín dụng quốc tế dành cho cá nhân, dành cho công ty), dịch vụ kết nối thanh toán với khách hàng (CMS), dịch vụ A Transfer Service (cho phép khách hàng thực hiện giao dịch chuyển khoản hoặc thanh toán bằng tin nhắn SMS tại bất kỳ nơi nào có phủ sóng viễn thông di động).

Với các dịch vụ này, cho phép khách hàng tiết kiệm thời gian và chi phí; thêm vào đó các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt phát triển nhanh như chuyển khoản, thanh toán hóa đơn tiện ích, thanh toán các dịch vụ công... đều có thể thực hiện trực tuyến.

Phát triển SPDV ngân hàng hiện đại không chỉ mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng trong giao dịch thương mại điện tử như đã nêu trên, mà về phía ngân hàng, nhờ đẩy mạnh phát triển SPDV, thông qua việc kết hợp giữa SPDV truyền thống với SPDV hiện đại một cách hài hòa cũng được hưởng lợi nhờ giảm được chi phí đầu vào, tăng doanh thu. Nếu như năm 2009 doanh thu dịch vụ mới chỉ có trên 8,5 tỷ đồng, thì đến năm 2013 thu dịch vụ đạt trên 23,7 tỷ đồng, giai đoạn này tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 32%; những năm tiếp theo tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân hằng năm đạt từ 15 đến 20% và đến cuối năm 2018 thu dịch vụ tại Agribank Đắk Lắk cán mốc 53,7 tỷ đồng, tăng 6,3 lần so năm 2009.

Có được kết quả trên, trong thời gian qua Agribank Đắk Lắk đã chủ động, triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng phát huy lợi thế về mạng lưới, công nghệ, nguồn nhân lực, phát triển và đa dạng hóa các kênh phân phối hiện đại. Đổi mới mạnh mẽ tác phong giao dịch, hỗ trợ tư vấn khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng.

Agribank Đắk Lắk Trao thưởng chương trình “Thanh toán liền tay - Vận may chờ đón”

Agribank Đắk Lắk vừa tổ chức Lễ trao thưởng cho khách hàng trúng thưởng trong chương trình khuyến mại  “Thanh toán liền tay - Vận may chờ đón” do Agribank tổ chức.

Trong chương trình khuyến mại này, Agribank Đắk Lắk có 9 khách hàng trúng thưởng. Trong đó, khách hàng Lê Thị Minh Nguyệt may mắn trúng giải Nhất, trị giá 10 triệu đồng và khách hàng Trần Thị Thanh Nga trúng giải Nhì, trị giá 2 triệu đồng.

Được biết, chương trình khuyến mại “Thanh toán liền tay - Vận may chờ đón” dành cho đối tượng là khách hàng cá nhân sử dụng dịch vụ thanh toán hóa đơn của Agribank (Billpayment) qua một trong các kênh: trích nợ tài khoản tại quầy giao dịch; Mobilebanking (E- Mobilebanking, SMS Banking, Agribank Mpus,  Agribank Bankpus); InternetBanking; ATM để thanh toán hóa đơn (điện, nước, học phí, viễn thông, vé máy bay) được thực hiện trên hệ thống thanh toán hóa đơn của Agribank (Billpayment) trong thời gian từ ngày 15-8-2019 đến ngày 15-10-2019. Tổng giá trị các giải thưởng lên tới 1 tỷ đồng.

Phan Quốc Lương


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.