Multimedia Đọc Báo in

Cơ hội khẳng định giá trị sản phẩm nông nghiệp Đắk Lắk

09:11, 27/11/2019

Với quy mô 350 gian hàng, quy tụ những sản phẩm đặc trưng ở các vùng miền, Hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) khu vực Tây Nguyên lần này được xem là hoạt động để cụ thể hóa các mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững các sản phẩm OCOP.

Xác định nông nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo, Đề án OCOP Đắk Lắk giai đoạn 2018-2020 hướng đến năm 2030 tập trung vào phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện; xây dựng nhãn hiệu, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm OCOP... Theo đó, tỉnh đã xác định được 140 sản phẩm thế mạnh, thuộc 6 nhóm sản phẩm (gồm: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, dịch vụ du lịch nông thôn) để đưa vào phát triển theo Chương trình OCOP.

Một trong những hoạt động của Chương trình OCOP là đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm. Chính vì vậy, Hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên lần đầu tiên được tổ chức tại Đắk Lắk sẽ là nơi quảng bá thương hiệu, kết nối giao thương, phát triển các sản phẩm tiêu biểu của các xã, phường. Đây là cơ hội giao lưu kinh tế, tìm kiếm cơ hội liên kết sản phẩm các vùng miền và thúc đẩy sự phát triển chung của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà tham quan gian hàng trưng bày của Quà Tây Nguyên tại hội nghị Tổng kết 10 năm  Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà tham quan gian hàng trưng bày của Quà Tây Nguyên tại hội nghị Tổng kết 10 năm Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Theo Ban tổ chức, hội chợ lần này có sự tham gia của 350 gian hàng, gồm 150 gian hàng thủ công mỹ nghệ, hàng thương mại và ẩm thực; 200 gian hàng nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên cùng các địa phương, doanh nghiệp trên cả nước.

Đặc biệt, Đắk Lắk có 6 gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng sao, sản phẩm hướng OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh.

Bên cạnh đó, các hoạt động như Hội thảo giới thiệu sản phẩm an toàn các Hợp tác xã tỉnh Đắk Lắk; Hội nghị “Kết nối sản phẩm OCOP vào các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên” sẽ là những điểm nhấn trong khuôn khổ hoạt động của hội chợ. Đây cũng là cơ hội để các nhà sản xuất tìm kiếm nhà đầu tư, kết nối các sản phẩm OCOP với các kênh thương mại.

Ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho biết, Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng là vùng có nhiều sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh, tiềm năng và đã khẳng định được thương hiệu trong suốt thời gian dài.

Thực hiện Chương trình OCOP, ở các tỉnh Tây Nguyên hiện mới đang triển khai, trong đó Đắk Lắk đang xem xét 27 sản phẩm của các huyện, thành phố để công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, tiến tới đưa sản phẩm ra thị trường không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu.

Có thể nói những sản phẩm của Đắk Lắk đã, đang khẳng định được giá trị và tỉnh cũng đang ráo riết triển khai chương trình này. Hy vọng với sự kết hợp giữa Chương trình OCOP của tỉnh và hội chợ sẽ là động lực để tỉnh thực hiện Chương trình OCOP một cách hiệu quả và đưa nhiều sản phẩm của tỉnh ra thị trường trong và ngoài nước.

Sản phẩm trái cây của huyện Krông Năng được đưa vào Chương trình OCOP.
Sản phẩm trái cây của huyện Krông Năng được đưa vào Chương trình OCOP.

Theo ông Vũ Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Chánh văn phòng điều phối Nông thôn mới của tỉnh, Chương trình OCOP ở Đắk Lắk đến thời điểm này đã ban hành được đề án, kế hoạch triển khai chương trình và các văn bản hướng dẫn cho các huyện triển khai các bước. Đặc biệt là đến thời điểm này đã có bộ tiêu chí để đánh giá sản phẩm theo OCOP. Các huyện đang triển khai theo kế hoạch năm 2019 là lựa chọn 27 sản phẩm và tuyển chọn, giới thiệu cho các tổ chức, HTX, doanh nghiệp, nông hộ, trang trại làm các thủ tục đăng ký, dự kiến đến cuối năm 2019 sẽ tổ chức xét 1 đợt vào tháng 12, với một số sản phẩm đặc trưng gồm các nhóm thực phẩm, gạo, cây ăn quả, nấm, rau, cà phê, ca cao, chanh dây, rượu cần, trà…

Chương trình OCOP chủ yếu hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX, nông trang… là những đối tượng yếu thế trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cho nên mong muốn của tỉnh và Sở NN-PTNT là làm sao sau hội chợ sẽ nâng cao vai trò, vị thế của các sản phẩm nông nghiệp để tạo thành chuỗi giá trị, từ đó nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm và năng lực sản xuất.

Hội chợ Nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên tại tỉnh Đắk Lắk năm 2019 sẽ được khai mạc lúc 17 giờ 30 ngày 28-11 tại số 72 đường Nguyễn Tất Thành (TP. Buôn Ma Thuột). Đây là cơ hội để mọi người tham quan, mua sắm những đặc sản của các vùng miền trong cả nước.

Minh Thuận

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.