Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả tín dụng chính sách ở vùng biên

09:59, 28/11/2019

Huyện Ea Súp là địa bàn biên giới, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, người dân khó tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng thương mại. Do đó, chương trình tín dụng chính sách xã hội (CSXH) với lãi suất ưu đãi là kênh tiếp cận vốn rất thiết thực cho người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Thôn 12, xã Ia R'vê tập trung phần lớn là người dân từ các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ lên lập nghiệp. Đa phần các hộ dân đều thuộc diện nghèo, bởi khu vực này thời tiết khắc nghiệt, đất đai khô cằn, thiếu nước tưới nên việc canh tác rất bấp bênh.

Những năm gần đây, nhiều người dân đã tiếp cận được nguồn vốn tín dụng chính sách để đầu tư sản xuất, ổn định cuộc sống. Hiện thôn có 3 tổ vay vốn tín dụng ưu đãi với 160 hộ vay (chiếm gần 73% tổng số hộ toàn thôn), mức vay bình quân 30 triệu đồng/hộ. Một trong những hộ trong thôn được hưởng lợi từ nguồn vốn chính sách là gia đình bà Kim Thị Thanh khi đã nhiều lần vay vốn của Ngân hàng CSHX để đầu tư phát triển kinh tế. Gia đình bà từ tỉnh Bến Tre đi kinh tế mới đến vùng đất này từ gần 15 năm nay. Những năm đầu vào lập nghiệp trên quê hương mới, cuộc sống của gia đình bà gặp rất nhiều khó khăn.

Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ea Súp thăm mô hình trồng xoài của hộ vay vốn tại xã Ia R'vê.
Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ea Súp thăm mô hình trồng xoài của hộ vay vốn tại xã Ia R'vê.

Từ năm 2008, gia đình bà tiếp cận được nguồn vốn CSXH với số tiền 6 triệu đồng từ Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường; sau đó, được vay 2 lần từ Chương trình cho vay hộ nghèo với khoản vay 10 triệu và 20 triệu đồng. Từ nguồn vốn này bà đã đầu tư đào giếng và mua bò giống về chăn nuôi. Nhờ đó, cuộc sống gia đình dần vượt qua khó khăn, kinh tế ổn định. Thu nhập từ chăn nuôi bò không những giúp bà trả nợ ngân hàng, thoát khỏi diện nghèo mà còn mua thêm được đất canh tác. Năm 2018, bà được vay tiếp 40 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo để đầu tư cải tạo, chăm sóc vườn cây. Hiện gia đình bà có 2 ha đất trồng xoài, điều và mía, mỗi năm cho thu nhập 100 triệu đồng. Bà Thanh chia sẻ, nếu không có nguồn vốn chính sách thì gia đình bà chưa biết khi nào mới thoát được cảnh nghèo khó và có cuộc sống ổn định như ngày hôm nay.

Trên địa bàn huyện Ea Súp hiện có 10.669 hộ (chiếm 54,63% số hộ dân toàn huyện) vay vốn tại Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện với tổng dư nợ 342 tỷ đồng, tăng 9,39% so với năm 2018, tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 0,22%.

Một khách hàng khác cũng sử dụng khá hiệu quả vốn vay tại Ngân hàng CSXH huyện Ea Súp là anh Nguyễn Văn Huệ (thôn 1, xã Ia R'vê). Năm 2018, gia đình anh vay 30 triệu đồng theo Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo để chăm sóc vườn cây.  Hiện, vườn mít Thái của gia đình anh đã cho thu hoạch, dự kiến năm nay thu nhập 200 triệu đồng.  Anh Huệ cho biết, vốn chính sách giúp anh đầu tư phát triển sản xuất, không phải vay ngoài với lãi suất cao; hồ sơ thủ tục vay đơn giản, nhanh gọn và được hướng dẫn sử dụng đúng mục đích, hợp lý.

Theo ông Nguyễn Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Ia R'vê, toàn xã hiện có hơn 1.200 hộ, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc đưa nguồn vốn vay ưu đãi đến với người dân có ý nghĩa rất quan trọng, giúp hàng nghìn lượt hộ nghèo, gia đình chính sách vay vốn đầu tư sản xuất, chăn nuôi và hạn chế nạn "tín dụng đen". Ðến nay, toàn xã có hơn 1.100 hộ được vay vốn ưu đãi, tổng dư nợ gần 46 tỷ đồng. Vốn tín dụng CSXH góp phần rất lớn trong giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương, riêng trong năm nay toàn xã giảm được 10 - 12% số hộ nghèo.

Anh Nguyễn Văn Huệ (thôn 1, xã Ia R'vê, huyện Ea Súp) sử dụng vốn tín dụng chính sách  để đầu tư chăm sóc vườn mít.
Anh Nguyễn Văn Huệ (thôn 1, xã Ia R'vê, huyện Ea Súp) sử dụng vốn tín dụng chính sách để đầu tư chăm sóc vườn mít.

Ông Bùi Văn Trung, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ea Súp cho biết, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả tín dụng chính sách, thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường phối hợp với hội, đoàn thể các cấp, thông qua các cuộc họp giao ban định kỳ để trao đổi thông tin và tình hình thực hiện ủy thác cho vay, qua đó, kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong cho vay ủy thác, tạo điều kiện để vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng được thụ hưởng; tư vấn, hướng dẫn người vay vốn mở rộng sản xuất, cách sử dụng đồng vốn sao cho hiệu quả gắn với các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương như trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm…; đồng thời, chú trọng công tác rà soát, kiểm tra trước, trong và sau cho vay, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.