Multimedia Đọc Báo in

Huyện Lắk: Hiệu quả bước đầu công tác đào tạo nghề phi nông nghiệp

09:18, 08/11/2019

Xác định công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao trình độ dân trí, tăng thu nhập cho người dân, thời gian qua, huyện Lắk đã quan tâm đẩy mạnh công tác dạy nghề, đặc biệt là dạy nghề  phi nông nghiệp cho lao động nông thôn.

Với những hiểu biết về nghề xây dựng sẵn có khi trước đây đã từng làm phụ hồ, năm 2018 anh Y Kuel Byă (buôn Cuôr Tak, xã Yang Tao) đã đăng ký khóa đào tạo nghề xây dựng tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (TTGDN) huyện Lắk. Sau 4 tháng học nghề, anh tự đứng ra thành lập tổ xây dựng gồm 10 người, đến nay đã nhận xây dựng được 4 căn nhà cho người dân trong xã. Nhờ được học bài bản nên chất lượng các công trình anh đã thi công khá đẹp và được người dân tin tưởng. Không những thế, anh còn hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân trong buôn từ việc làm thợ xây, phụ hồ với mức thu nhập bình quân từ 350 – 400 nghìn đồng/ người/ ngày.

Một buổi thực hành của lớp dạy nghề nấu ăn ở Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên  huyện Lắk.
Một buổi thực hành của lớp dạy nghề nấu ăn ở Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lắk.

Anh Y Kuel chia sẻ, trước đây công việc phụ hồ tiền công vừa thấp vừa không ổn định (5 – 6 triệu đồng/tháng) nên cuộc sống của cả gia đình 4 miệng ăn luôn trong cảnh chật vật. Sau khi học nghề và đứng ra thành lập tổ xây dựng, trung bình mỗi tháng anh có nguồn thu nhập từ 10 – 11 triệu đồng. Điều đáng mừng hơn nữa là với tay nghề thợ xây vững vàng, anh được nhiều hộ dân tin tưởng gọi xây nhà, không còn cảnh công việc phập phù như trước đây.

 
“Nhiều lao động sau khi học nghề đã làm chủ được kỹ thuật, có tay nghề thành thạo tự đứng ra mở cơ sở và làm chủ thầu xây dựng. Qua đó, kinh tế gia đình ngày càng phát triển, góp phần thay đổi cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất tại địa phương”.
 
Ông Nguyễn Đình Đại, Giám đốc TTGDN huyện Lắk

Cũng được học nghề tại TTGDN, anh Y Lợi Knul (buôn Đar Ju, xã Bông Krang) lại thành công với nghề sửa chữa máy nông nghiệp kết hợp với nghề cơ khí. Nhờ có nghề mới này, anh có thể làm thêm quanh năm và tăng nguồn thu nhập mà không phải đi làm thuê xa gia đình như trước đây. Được biết, để bảo đảm khối lượng công việc, hiện nay anh đang thuê thêm 3 lao động trong buôn. Theo anh Y Lợi, thời gian tới, nếu công việc thuận lợi và có thêm nguồn vốn anh sẽ kết hợp với một vài lao động có tay nghề trong buôn mở rộng cơ sở để phát triển kinh tế cũng như tạo thêm nhiều việc làm cho lao động ở địa phương.

Có thể nói, cùng với các nghề nông nghiệp, thời gian qua, mô hình đào tạo nghề phi nông nghiệp cũng được huyện Lắk chú trọng triển khai thực hiện. Từ đầu năm đến nay, TTGDN huyện Lắk đã mở 6 lớp đào tạo nghề cho 135 lao động nông thôn; trong đó có 4 lớp về các ngành nghề phi nông nghiệp gồm: sửa chữa máy nông nghiệp, xây dựng dân dụng, kỹ thuật nấu ăn. Ông Nguyễn Đình Đại, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Qua điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động trên địa bàn huyện, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, trong đó chú trọng các nghề phi nông nghiệp nhằm góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn huyện. Điều đáng mừng là hầu hết học viên sau khi học nghề đều có việc làm ổn định và thu nhập khá hơn trước đây”.

Anh Y Kuel (bìa trái) giám sát công trình nhà ở do tổ của anh đảm nhận thi công.
Anh Y Kuel (bìa trái) giám sát công trình nhà ở do tổ của anh đảm nhận thi công.

Được biết, số người trong độ tuổi lao động của huyện Lắk hiện chiếm trên 60% tổng dân số. Trong thời gian tới TTGDN huyện sẽ tiếp tục tổ chức điều tra, rà soát số lượng lao động trên địa bàn nhằm nắm bắt kịp thời tình hình lao động - việc làm và nhu cầu học nghề của người lao động để tổ chức tuyển sinh mở các lớp dạy nghề trên địa bàn cho phù hợp.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.