Multimedia Đọc Báo in

Khởi nghiệp từ gỗ tái chế

06:53, 16/11/2019

Tận dụng những thứ bỏ đi của các xưởng mộc, tre nứa…, chị Hoàng Thị Mỹ Tuyến (sinh năm 1986, ở thôn 2, xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột) đã tạo ra những sản phẩm trang trí đẹp mắt, có tính ứng dụng cao, bảo vệ môi trường.

Tốt nghiệp ngành Kỹ sư phần mềm Trường Đại học Hoa Sen (TP. Hồ Chí Minh), chị Tuyến làm việc tại các công ty tổ chức sự kiện, đầu năm 2018 chị quyết định về quê lập nghiệp bằng việc làm đồ trang trí cho các nhà hàng tiệc cưới trên địa bàn. Trong một lần chị Tuyến nhận được đơn đặt hàng làm ly nến có lọng hình trái tim. Sản phẩm này đòi hỏi sự khéo léo và giúp sức của một số người mới có thể hoàn thành đúng thời gian. Chị Tuyến tìm đến gia đình có hai anh em bị câm điếc bẩm sinh biết làm tranh gỗ tại địa phương để nhờ giúp đỡ. Vào đến nơi, chị thấy tranh gỗ do hai anh em làm rất công phu nhưng hầu như không bán được hoặc bán với giá rất rẻ nên không có thu nhập. Chị Tuyến nảy ra ý tưởng khởi nghiệp từ gỗ tái chế, tạo việc làm cho những thanh niên khuyết tật.

Chị Hoàng Thị Mỹ Tuyến (bìa phải) đào tạo nghề cho thanh niên địa phương.
Chị Hoàng Thị Mỹ Tuyến (bìa phải) đào tạo nghề cho thanh niên địa phương.

Để thực hiện ý tưởng của mình, chị Tuyến tìm đọc tài liệu nghiên cứu cách làm, thị trường, xu hướng của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ gỗ tái chế ở trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, chị mượn sách về giao tiếp hình thể để có thể giao tiếp tốt với những bạn bị khuyết tật. Sau đó, chị Tuyến tìm mua vụn gỗ ở các xưởng gỗ, bắt tay thực hiện những sản phẩm trang trí đơn giản như: móc khóa, đồ trang trí dịp Giáng sinh…, với xưởng sản xuất có tên VietArt.

Những ngày đầu, khi chưa có đủ khả năng thuê nhân công, chị Tuyến tự cắt, gọt, hoàn thiện từng sản phẩm. Khi hoàn chỉnh, chị chụp ảnh đăng lên mạng xã hội facebook, đi chào hàng tại một số cửa hàng bán đồ trang trí trên địa bàn và được nhiều người đặt mua. “Từ nhỏ tôi đã đam mê với việc tận dụng đồ dùng không còn sử dụng nữa để làm đồ trang trí. Đi đến đâu tôi cũng để ý xem cây cỏ, gỗ bị vứt đi… nhặt về rồi mày mò làm thành nhiều vật dụng. Có người nói tôi “khùng” nhưng từ khi sản phẩm tôi làm ra được nhiều người yêu thích, kiếm được tiền thì ở đâu có gỗ, tre bị vứt đi đều gọi cho tôi đến lấy”, chị Tuyến chia sẻ. Đến tháng 6-2018 VietArt bắt đầu có lượng khách hàng ổn định, chị Tuyến nhận thêm nhân viên là các bạn khuyết tật đến vừa học vừa làm.

Khi nhân viên trong xưởng đã thạo việc, chị Tuyến mạnh dạn thực hiện những sản phẩm có nhiều chi tiết phức tạp như bập bênh, ngựa gỗ…, đặc biệt là bộ sản phẩm có độ khó cao gồm: thìa, muỗng, nĩa, chén. Chị Tuyến cùng nhân viên phân loại gỗ có thể sử dụng từ vụn gỗ mua được, rồi đầu tư mua thêm máy cắt cầm tay, máy tiện gỗ... để thực hiện. Sau đó, chị Tuyến sử dụng dầu thực phẩm dành cho em bé, muối… gia công làm bóng sản phẩm. Chị Tuyến kể: “Để tạo ra những sản phẩm muỗng, nĩa, chén, thìa gỗ không bị thô cứng, tiện dụng hơn, một ngày cơ sở của tôi cưa cùn 12 lưỡi cưa cầm tay để có thể tạo độ cong cho sản phẩm.”

Gian hàng trưng bày sản phẩm của VietArt trong Ngày hội Khởi nghiệp tỉnh Đắk Lắk lần thứ I năm 2019.
Gian hàng trưng bày sản phẩm của VietArt trong Ngày hội Khởi nghiệp tỉnh Đắk Lắk lần thứ I năm 2019.

Khi phong trào chống rác thải nhựa bảo vệ môi trường được đẩy mạnh, chị Tuyến thiết kế thêm ống hút tre… để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Không chỉ tự thiết kế, VietArt còn thực hiện sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng. Mỗi sản phẩm của VietArt chỉ có giá từ 8 - 70 nghìn đồng, đáp ứng tiêu chí rẻ, bền, đẹp, tiện dụng. Hiện nay, xưởng sản xuất VietArt tạo việc làm ổn định cho 5 thanh niên khuyết tật, người dân tộc thiểu số với mức lương trung bình từ 4 - 7 triệu đồng/tháng và 5 phụ nữ làm thêm tại nhà.

Chị Tuyến cho hay: “Sau hơn một năm hoạt động, đơn hàng VietArt đã ổn định, lợi nhuận thu được đủ để xoay vòng vốn và quan trọng nhất là được làm điều tôi đam mê. Đó cũng là động lực để tôi cùng nhân viên trong xưởng nỗ lực hơn nữa. Thời gian tới, VietArt sẽ ra mắt bộ sản phẩm có tên gọi “Bản sắc đại ngàn” về văn hóa, du lịch Đắk Lắk”

Hiện nay, VietArt phối hợp với Công ty Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức lớp học trải nghiệm với gỗ vào cuối tuần tại Đường sách Cà phê (TP. Buôn Ma Thuột) nhằm giúp cho trẻ em có thêm sân chơi, thỏa mãn sáng tạo đồ chơi từ gỗ.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.