Multimedia Đọc Báo in

Liên kết phát triển du lịch Tây Nguyên: Cần có một "nhạc trưởng"

09:06, 24/11/2019

Câu chuyện liên kết, phát triển du lịch giữa các tỉnh khu vực Tây Nguyên lại được bàn thảo sôi nổi tại diễn đàn Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Xây dựng vùng du lịch văn hóa - sinh thái Tây Nguyên: Tiềm năng và những vấn đề” do Viện Khoa học Xã hội vùng Tây Nguyên phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức vào trung tuần tháng 11 vừa qua. 

Nhiều ý kiến cho rằng, đến nay đẳng cấp và thương hiệu du lịch, nhất là du lịch văn hóa - sinh thái vùng Tây Nguyên vẫn chưa thật sự định vị một cách xứng đáng trên bản đồ du lịch cả nước, mặc dù tiềm năng để phát triển khá dồi dào.

Hạn chế này được ông Nguyễn Tấn Danh, Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (Bộ VH-TT-DL) chỉ ra là do nhận thức cũng như cung cách làm du lịch của các doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này còn quá đơn lẻ, thụ động, thậm chí là cục bộ địa phương. Điều đó được biểu hiện qua nhiều góc độ, trong đó vấn đề thiếu sự liên kết - từ thu hút đầu tư, kích cầu, đến xây dựng và giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch của từng địa phương và cả khu vực là “lỗ hổng” lớn nhất khiến chuỗi giá trị gia tăng của ngành kinh tế quan trọng này không phát huy được.

Cũng từ đó đã dẫn đến hệ quả tất yếu là sản phẩm du lịch ở đây trùng lặp cả về tính chất lẫn thời điểm diễn ra, nhất là loại hình du lịch văn hóa được các doanh nghiệp tổ chức, khai thác trong các cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ. Loại hình du lịch này đã không tạo nên chuỗi sự kiện, dẫn tới tình trạng cạnh tranh, phân chia thị trường khách du lịch thiếu lành mạnh giữa các tỉnh, khu vực Tây Nguyên với các vùng miền khác.

Du khách thích thú trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Êđê.  Ảnh: L.Anh
Du khách thích thú trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Êđê. Ảnh: L.Anh

Có thể nói, việc xây dựng các chương trình, sản phẩm du lịch có tính chất kết nối, xuyên suốt cho toàn vùng là yêu cầu đặt ra trong bối cảnh hiện nay. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Lâm Đồng chia sẻ, yêu cầu đó trước đây và hiện nay đã được nhắc tới thông qua sản phẩm, chương trình du lịch như “Con đường Di sản miền Trung - Tây Nguyên”; “Đường Trường Sơn huyền thoại”; “Con đường xanh Tây Nguyên” và tour “Carnaval hành lang kinh tế Đông - Tây”… đi qua nhiều tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Tiếc là những sản phẩm,  chương trình du lịch trên không phát huy được hiệu quả như mong muốn do thiếu sự liên kết chặt chẽ với nhau trong quá trình tổ chức, thực hiện. 

 
“Vai trò “nhạc trưởng” ở đây là chịu trách nhiệm chỉ đạo, tư vấn các tỉnh, thành trong khu vực thực hiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển du lịch nói chung. Theo đó, cũng phải có cơ chế giám sát chặt chẽ và thường xuyên để khắc phục tình trạng “tư duy địa phương cục bộ” trong liên kết nội vùng để vừa đạt được mục tiêu đặt, vừa không để phân tán nguồn lực đầu tư, cũng như thu hút du khách”.
 
(TS. Nguyễn Duy Thụy - Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Tây Nguyên)

Tại diễn đàn này, hầu hết tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý và doanh nghiệp đều chỉ ra khâu yếu nhất của du lịch Tây Nguyên là mối liên kết để cùng nhau phát triển. Ông Nguyễn Duy Thụy, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Tây Nguyên thừa nhận chính yếu kém này khiến ngành du lịch của 5 tỉnh trong khu vực cũng như cả vùng Tây Nguyên không thể bứt phá mạnh mẽ được, cứ loay hoay tìm cách tồn tại theo kiểu “đèn nhà ai nấy sáng”. Dẫn chứng như việc chính quyền các địa phương, cũng như nhiều doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn rất muốn mở rộng, kích cầu sản phẩm, chương trình du lịch có chất liên kết vừa nêu nhằm gia tăng biên độ phát triển, nhưng câu hỏi đặt ra: Ai sẽ điều phối, dẫn dắt để hiện thực hóa điều đó, hay cứ lặp đi, lặp lại tình trạng tranh thủ giới thiệu, bày bán sản phẩm của địa phương mình tại các cuộc gặp gỡ, triển lãm hay hội chợ du lịch diễn ra mọi lúc, mọi nơi?

Đã đến lúc phải có một “nhạc trưởng” đóng vai trò hạt nhân kết nối, điều phối lộ trình phát triển chung cho ngành du lịch Tây Nguyên. Và để “nhạc trưởng” đó làm tốt vai trò của mình thì phải có đầu mối (cơ quan) đứng ra chủ trì, phối hợp với chính quyền các tỉnh và bộ, ngành Trung ương, viện nghiên cứu, hiệp hội có liên quan để cùng doanh nghiệp xúc tiến việc nghiên cứu, đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp liên kết, phát triển du lịch toàn vùng theo hướng xuyên suốt, bền vững và hiệu quả nhất trên cơ sở gia tăng chuỗi giá trị của từng sản phẩm, cũng như điểm đến của mỗi địa phương và toàn vùng.

Diễn tấu cồng chiêng - sản phẩm du lịch đặc thù của Tây Nguyên.
Diễn tấu cồng chiêng - sản phẩm du lịch đặc thù của Tây Nguyên.

Một khi làm được điều đó thì câu chuyện liên kết, phát triển du lịch Tây Nguyên mới đạt được mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030, góp phần vào sự nghiệp xây dựng, phát triển chung của cả nước.

    Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.