Multimedia Đọc Báo in

Thị trường tài chính ngân hàng: Tín hiệu tích cực từ đợt giảm lãi mới

08:35, 25/11/2019

Vừa qua, thị trường tài chính ngân hàng đã bất ngờ trước việc hàng loạt ngân hàng công bố giảm lãi suất huy động cũng như lãi suất cho vay.

Giảm mạnh lãi suất cả hai chiều

Cụ thể, theo biểu lãi suất cập nhật mới nhất, các ngân hàng thương mại cổ phần đã đồng loạt giảm lãi suất huy động tối thiểu 0,5%/năm tất cả các kỳ hạn. Chẳng hạn, theo biểu lãi suất mới cập nhật, lãi suất huy động cao nhất của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) chỉ còn 7,4% thay vì 8,5% trước đó.

Lãi suất huy động cao nhất của các ngân hàng vốn thường xuyên ở mức cao (từ 8% trở lên) như Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank), Ngân hàng TMCP Việt Á, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB)... cũng đã giảm xuống dưới 8% khi gửi tại quầy và phổ biến ở mức 5,2% đến 7,9%/năm tùy thời hạn và số tiền gửi.

Đây là đợt giảm lãi suất huy động mạnh nhất từ trước đến nay, bởi lãi suất huy động thực tế trên thị trường kể từ đầu tháng 7-2019 liên tục xuất hiện các mức lãi suất trên 8%, thậm chí tới gần 9%/năm được các ngân hàng trả cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) Chi nhánh Đắk Lắk.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) Chi nhánh Đắk Lắk.

Cùng với việc giảm lãi suất huy động thì các ngân hàng thương mại cũng thực hiện giảm lãi suất cho vay ở tất cả các lĩnh vực, với mức giảm thấp nhất khoảng 0,5%/năm.

Đơn vị giảm lãi suất cho vay sớm nhất là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) khi công bố quyết định giảm đồng loạt 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu bằng VNĐ của doanh nghiệp.

Và ngân hàng có mức giảm lớn nhất là Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), với mức giảm tới 2% lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng doanh nghiệp và chủ hộ kinh doanh; giảm tới 3,6% lãi suất phục vụ mục đích sản xuất, chăn nuôi... 

Mức lãi suất ưu đãi áp dụng cho các doanh nghiệp có nhu cầu vay ngắn hạn, trung dài hạn để bổ sung vốn kinh doanh, đầu tư mua trang thiết bị, nhà xưởng, kho hàng, phương tiện vận chuyển…

Trong khi đó, hầu hết các ngân hàng khác cũng đã công bố điều chỉnh giảm lãi suất cho vay bằng VNĐ ngắn hạn tối đa từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Việc các ngân hàng đồng loạt thực hiện giảm lãi suất ở cả chiều huy động lẫn chiều cho vay vào thời điểm này là khá bất ngờ, bởi nó nằm ngoài dự đoán và quy luật thị trường vốn dịp cuối năm.

Nỗ lực “bơm” vốn hỗ trợ sản xuất kinh doanh

Tuy nhiên, việc các ngân hàng đồng loạt thực hiện giảm lãi suất lại hoàn toàn phù hợp với bối cảnh hiện nay của nền kinh tế. Ngày 18-11, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành quyết định giảm trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng và trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên bằng VNĐ.

Theo đó, từ ngày 19-11-2019, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1%/năm xuống 0,8%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm; trần lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên giảm từ 6,5% xuống còn 6%. Quyết định giảm trần lãi suất cho vay tối đa của NHNN là động thái phù hợp dựa trên bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước hiện nay.

Đặc biệt sau khi một số quốc gia tiến hành điều chỉnh giảm lãi suất điều hành để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế. Về tác động trực tiếp, việc giảm lãi suất sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn rẻ hơn, qua đó đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

Thực tế là từ đầu năm 2019 đến nay, các ngân hàng đã nhiều lần giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp nhất. Tuy nhiên đây là đợt giảm lãi suất rộng nhất từ trước tới nay bởi trước đây các ngân hàng chỉ áp dụng lãi suất ưu đãi, giảm lãi ở các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) thì nay đã được áp dụng ở tất cả các loại hình doanh nghiệp. Chẳng hạn như tại Vietcombank sẽ đồng loạt giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay cho tất cả các doanh nghiệp phát sinh dư nợ trong hai tháng cuối năm nay.

Theo ông Phạm Ngọc Huyến, Giám đốc Vietcombank Đắk Lắk, động thái này nhằm thực hiện theo chủ trương của Chính phủ và định hướng của NHNN nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy tăng trưởng cho doanh nghiệp những tháng cuối năm. Tuy nhiên việc giảm lãi suất cho vay đòi hỏi các ngân hàng phải “hy sinh” lợi nhuận của mình.

Bởi mặc dù để có cơ sở giảm lãi suất cho vay, ngân hàng đã chủ động khai thác các nguồn vốn hợp lý, quản lý tốt chất lượng tăng trưởng, quản trị chi phí hoạt động, nhưng trong đợt giảm mới này, toàn hệ thống Vietcombank sẽ giảm gần 300 tỷ đồng, riêng Vietcombank Đắk Lắk sẽ hụt hơn 2 tỷ đồng từ lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp.

Theo số liệu của NHNN Chi nhánh Đắk Lắk, tính đến nay tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt trên 45.710 tỷ đồng, tăng hơn 4,41% so với đầu năm; trong đó huy động vốn trên 12 tháng chiếm khoảng 22,75% tổng vốn huy động. Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế ước đạt 96.525 tỷ đồng, tăng 6,32% so với đầu năm; trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn chiếm 60,16%; dư nợ cho vay trung, dài hạn chiếm 39,84% tổng dư nợ cho vay.

Giang Nam

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.