Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực xây dựng thương hiệu "Nấm Krông Ana"

09:41, 04/12/2019

Trong nhiều năm qua, các mô hình, tổ sản xuất nấm trên địa bàn huyện Krông Ana đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Đây cũng là một sản phẩm được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh tìm mua.

Huyện Krông Ana có khí hậu ôn hòa do được điều tiết bởi  dòng sông Krông Ana, Krông Nô và các dãy núi bao bọc. Huyện có nguồn nguyên liệu phục vụ phát triển ngành nấm phong phú như lúa, ngô, rơm, mùn cưa tạp, sắn… Đặc biệt, các vựa lúa Buôn Triết, Quảng Điền, Bình Hòa, Dur Kmăl… với khoảng hơn 10.000 ha lúa nước, ước tính sơ bộ nguyên liệu rơm khoảng 63.000 tấn/năm. Tuy nhiên, lượng rơm này hiện mới sử dụng khoảng 500 tấn/năm (chiếm 0,79%) dùng để chăn nuôi, che ủ cây công nghiệp và trồng nấm, còn lại đốt bỏ gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường và lãng phí nguồn nguyên liệu sẵn có.

Sản xuất nấm tại Hợp tác xã nấm linh chi và dịch vụ nông nghiệp huyện Krông Ana.  Ảnh: N. Xuân
Sản xuất nấm tại Hợp tác xã nấm linh chi và dịch vụ nông nghiệp huyện Krông Ana. Ảnh: N. Xuân

Các mô hình trồng nấm có mặt tại huyện Krông Ana từ nhiều năm về trước, từ năm 2015 đến nay bắt đầu phát triển mạnh. Hiện huyện có cơ sở nấm linh chi Tâm Hoàng, với 78 hộ liên kết sản xuất nấm tuân thủ quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm; có 3/8 xã, thị trấn có tổ hợp sản xuất nấm, với 70 mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện thu nhập cho người lao động.

Là một trong những đơn vị sản xuất nấm quy mô lớn, HTX nấm linh chi và dịch vụ nông nghiệp Krông Ana (thị trấn Buôn Trấp) có 15 thành viên tham gia liên kết. Với quy mô khoảng 10.000 m2, hằng năm HTX cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 120 tấn nấm các loại.

Bà Đinh Thị Danh, Giám đốc HTX cho biết, huyện Krông Ana có lợi thế về khí hậu và đặc biệt nguồn nguyên liệu sản xuất nấm dồi dào nên sản lượng nấm các loại đạt cao. Do đó, để từng bước tạo dựng được thương hiệu nấm Krông Ana, HTX đưa ra quy trình sản xuất an toàn từ khâu chọn nguyên liệu đầu vào và các bước sản xuất.

Hiện nay, ngoài một số sản phẩm nấm như bào ngư, sò, chủ yếu cung ứng cho thị trường trong tỉnh, HTX còn sản xuất các loại nấm mang lại giá trị kinh tế rất cao như linh chi, đầu khỉ, trà tân… với thị trường tiêu thụ chính ở TP. Hồ Chí Minh. Trong những năm qua, HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 50 lao động, với nguồn thu nhập khá từ nghề trồng nấm. Ngoài ra, vào những thời gian cao điểm như đóng bịch, thu hoạch nấm còn tạo việc làm cho nhiều lao động thời vụ tại địa phương.

Bắt tay vào nghề trồng nấm từ năm 2015, hộ anh Phan Xuân Anh (tổ dân phố 3, thị trấn Buôn Trấp) đã có nguồn thu nhập ổn định nhờ nghề này. Trước đây anh Anh từng làm hợp đồng ở một cơ quan Nhà nước, nhưng do thu nhập thấp nên anh đã quyết định chuyển sang nghề trồng nấm. Với diện tích đất sẵn có, vợ chồng anh đã xây dựng trang trại sản xuất nấm với quy mô 500 m2, mua thêm máy hấp nguyên liệu sản xuất 2 loại nấm bào ngư và linh chi. Hiện cơ sở nấm của gia đình anh tạo việc làm thường xuyên cho 5 thành viên và khoảng 3 lao động thời vụ, với mức thu nhập trên 200 nghìn đồng/ngày. Mỗi năm cơ sở bán ra thị trường khoảng 3 tấn nấm bào ngư và 1 tạ nấm linh chi.

Sản phẩm nấm Krông Ana trưng bày tại Hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới.
Sản phẩm nấm Krông Ana trưng bày tại Hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới.

Tại xã Quảng Điền, tổng diện tích gieo trồng lúa nước hằng năm khoảng 1.900 ha, tạo nguồn nguyên liệu sản xuất nấm rơm dồi dào. Nghề trồng nấm rơm tại đây có từ lâu, song đều là sản xuất tự phát của người dân nên hiệu quả mang lại chưa cao. Do đó cuối năm 2018, mô hình Tổ hợp tác làm nấm xã Quảng Điền được thành lập gồm 20 thành viên tham gia, với mục đích liên kết các hộ dân phát triển nghề trồng nấm theo hướng liên kết chuỗi, tận dụng hiệu quả sản phẩm phụ trong trồng trọt. Hiện nay, sản phẩm nấm rơm tại xã Quảng Điền được các thương lái đặt hàng, thu gom nên đầu ra ổn định, với giá bán 70 – 100 nghìn đồng/kg.

Song song với hoạt động sản xuất của người dân, các thành viên của tổ hợp, HTX sản xuất nấm, công tác đào tạo, dạy nghề nói chung, đối với nghề trồng nấm nói riêng được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Krông Ana chú trọng. Trong năm 2019, đơn vị đã mở 1 lớp tập huấn về nghề trồng nấm với 35 học viên tham gia. Phần lớn học viên sau khi học đều có việc làm từ nghề trồng nấm, người có vốn mở cơ sở sản xuất, người không có vốn làm thuê tại các tổ, HTX. Đặc biệt, lớp học cũng thu hút khá nhiều học viên là những người đã có kinh nghiệm trồng nấm lâu năm, tham gia với mục đích tích lũy thêm kiến thức để nâng cao tay nghề.

Hiện nay, huyện Krông Ana đang triển khai xây dựng Dự án tạo lập nhãn hiệu “Nấm Krông Ana” nhằm phát huy hơn nữa lợi thế, tiềm năng sẵn có, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, sức cạnh tranh của sản phẩm nấm tại địa phương và thúc đẩy nền nông nghiệp huyện phát triển.

Huyện Krông Ana đã phát động cuộc thi sáng tác biểu trưng sản phẩm “Nấm Krông Ana”, đến nay đã nhận được 55 mẫu dự thi của 18 tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, trong đó có 5 tác phẩm được chọn vào vòng sơ khảo.

 

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.