Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea H'leo: Nông dân "bỏ" tiêu, đổ xô trồng cây ăn trái

15:20, 31/01/2020
Huyện Ea H’leo có diện tích hồ tiêu lớn nhất tỉnh, song do nhiều nguyên nhân khác nhau như dịch bệnh, năng suất thấp, giá cả giảm sâu... nên nhiều nông dân đã chuyển sang trồng cây ăn trái.
 
Gia đình anh Trần Ngọc Đường (thôn 3, xã Ea Khăl, huyện Ea H’leo) trước đây có hơn 4 ha cà phê. Năm 2013, cà phê già cỗi, anh Đường phá bỏ hơn 1,5 ha để trồng tiêu, nhưng sau đó giá tiêu dần sụt giảm nên từ năm 2016, anh Đường bắt đầu trồng xen thêm bơ, sầu riêng. Hiện trong vườn anh có hơn 150 cây sầu riêng, gần 300 cây bơ các loại, một ít mãng cầu và mít. Mọi khâu trồng, chăm sóc... anh Đường đều tự làm để giảm bớt chi phí đầu tư.
 
Anh Đường chia sẻ, trồng cây ăn trái ít tốn công, giá lại đang ở mức cao và ổn định hơn hồ tiêu, cà phê, nhưng cũng rất lo sâu bệnh. Hiện tại trong vườn mới chỉ có 100 cây bơ cho thu hoạch, nhưng vụ vừa qua bị mất trắng do côn trùng tấn công. Thu nhập từ vườn cây không đủ chi nên anh Đường vẫn phải tiếp tục bỏ tiền túi để chăm sóc vườn cây, hy vọng cây ăn trái sẽ là “cứu cánh” bù đắp lại chi phí đầu tư hồ tiêu trước đây.
 
Vườn bơ của gia đình anh Trần Ngọc Đường.
Vườn bơ của gia đình anh Trần Ngọc Đường.
Gia đình bà Bùi Thị Nhân và ông Nguyễn Văn Triển (tổ dân phố 5, thị trấn Ea Drăng) có hơn 1,5 ha rẫy ở xã Ea Nam; sau hai lần trồng tiêu đều bị chết không rõ nguyên nhân, năm 2016 gia đình quyết định vay ngân hàng đầu tư trồng lại cà phê và xen canh cây ăn trái gồm sầu riêng, bơ và một ít chanh dây.
 
Theo bà Nhân, cây bơ và sầu riêng hiện đang được trồng rất nhiều trên địa bàn huyện, lợi nhuận trước mắt mang lại khá cao, mỗi héc-ta cây ăn quả nếu phát triển tốt, đạt năng suất có thể cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
 
Tuy nhiên rủi ro cũng không nhỏ bởi đây là lần đầu tiên gia đình bà trồng nên chưa biết những loại cây này có phù hợp với khí hậu, đất đai trong vùng không; giống cây, kỹ thuật chăm sóc gia đình cũng vừa làm vừa tìm hiểu vì chưa có kinh nghiệm thực tế; giá cả lại phụ thuộc vào nhu cầu thị trường... Bà Nhân cho hay, số tiền hơn 200 triệu đồng đầu tư trồng hai đợt hồ tiêu đã mất trắng, bây giờ chỉ mong cây ăn trái phát triển tốt, có sản phẩm bán với giá ổn định để bù đắp phần nào.
 
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Ea H’leo, cây ăn trái chưa phải là cây chủ lực của huyện. Diện tích cây ăn trái tăng mạnh trong vòng ba năm trở lại đây xuất phát từ việc chuyển đổi diện tích hồ tiêu chết, kém hiệu quả; cùng với đó là do giá tiêu, cà phê giảm mạnh trong khi giá cây ăn quả cao, có sức hút lớn với người nông dân. Loại cây ăn quả trồng nhiều trên địa bàn là bơ (khoảng 420 ha) và sầu riêng (khoảng 500 ha) chủ yếu trồng xen canh. Cây ăn trái trồng nhiều, nhưng thực tế người dân chưa thu lợi được bao nhiêu do số lượng cây cho thu hoạch rất thấp (chủ yếu thu bói) còn lại mới trồng từ 2 - 3 năm.
 
Trước phong trào phát triển cây ăn trái một cách ồ ạt, UBND huyện Ea H’leo cũng đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, trong đó chủ lực là ngành Nông nghiệp triển khai một số mô hình phát triển cây ăn trái theo chuỗi sản xuất bền vững (đã thực hiện 5 mô hình điểm tại 5 hộ dân). Phòng NN-PTNT phối hợp với Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông huyện tổ chức tập huấn cho nông dân về trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho một số loại cây ăn trái phổ biến như cây bơ, sầu riêng và khuyến cáo người dân cần thận trọng trong việc mở rộng diện tích cây ăn trái.
 
Thanh Thủy
 
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.